Siêu tăng T-14 Armata, cuộc cách mạng trong chế tạo xe tăng Nga

ANTD.VN - Siêu tăng T-14 Armata được coi là cuộc cách mạng trong ngành chế tạo chiến xa với thiết kế hoàn toàn khác biệt với tháp pháo tự động, kích thước xe lớn, điều này khác hẳn với các dòng xe tăng trước đây của Nga.

Phía Nga cho biết, T-14 Armata là xe tăng chủ lực thế hệ ba duy nhất trên thế giới, ứng dụng công nghệ vượt trội so với các đối thủ phương Tây.

T-14 Armata là tên gọi của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được Nga phát triển trên nền tảng chiến đấu đa năng (UBP) Armata, dòng xe tăng này ra mắt vào ngày 9/5/2015.
T-14 Armata được coi là cuộc cách mạng trong phát triển xe tăng của người Nga. Đây là loại dòng xe tăng hiện đại nhất, được ứng dụng nhiều công nghệ nhằm tăng tối đa hiệu suất chiến đấu trên chiến trường.
Sự ra mắt của T-14 Armata khiến giới yêu quân sự bất ngờ bởi từ khi tách ra từ Liên Xô, Nga không sở hữu bất kỳ loại xe tăng tự thiết kế nào.
Tất cả tăng chiến đấu chủ lực của nước này như T-72, T-80 và T-90 đều được phát triển dưới thời Liên Xô, và các biến thể mới đơn giản chỉ là việc nâng cấp.
Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) bắt đầu thiết kế dự án T-14 Armata từ năm 2009 với tham vọng chế tạo ra một siêu tăng đúng nghĩa.
Khi T-14 Armata xuất hiện, giới quân sự phương Tây khá bất ngờ và cũng khá ấn tượng về thông số nhà phát triển đưa ra.
Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly nhận định T-14 Armata là thiết kế hoàn toàn mới, thể hiện bước thay đổi đáng kể nhất trong trang bị khí tài quân sự Nga từ thập niên 1960 tới 1980.

Pháo tăng tự động không còn là điều mới mẻ, nhưng đây là lần đầu tiên một dòng tăng chủ lực hặng nặng như T-14 Armata được trang bị hệ thống này.

Ngoài ra tổ lái cũng được thiết kế ngồi trong khoang riêng biệt được bọc giáp tốt ở phía trước xe.
Ngay cả khi tháp pháo bị xuyên thủng và bốc cháy, tổ lái vẫn có thể sống sót, đưa xe rời khỏi chiến trường hoặc ra khỏi xe một cách an toàn.
Tổ lái có thể quan sát xung quanh nhờ hàng loạt camera thời gian thực, cảm biến quang học, kính ngắm ảnh nhiệt và cả radar.
Lái xe, pháo thủ và trưởng xe đều ngồi cùng một khoang riêng, tách biệt với tháp pháo và kho đạn của xe, giúp tăng khả năng sống sót của tổ lái trước hỏa lực đối phương.
Lớp vỏ ngoài góc cạnh giúp T-14 Armata gần như tàng hình trước radar, trong khi các lớp phủ đặc biệt khiến hệ thống trinh sát ảnh nhiệt/hồng ngoại của đối phương rất khó phát hiện chiếc xe.
T-14 Armata được trang bị ít nhất ba lớp phòng thủ. Đầu tiên là hệ thống phòng thủ chủ động Afganit, có khả năng phát hiện đạn chống tăng đang phóng đến nhờ cụm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) gắn ở 4 mặt tháp pháo.
Sau khi nhận dạng mối nguy hiểm, hệ thống phòng vệ chủ động Afganit sẽ quay mặt trước tháp pháo, nơi có phần giáp dày nhất, về phía đầu đạn để tối đa hóa khả năng bảo vệ.
Hệ thống sẽ lựa chọn phương án phóng đạn khói để vô hiệu hóa hệ thống dẫn bắn laser, hoặc phóng đạn đánh chặn để tiêu diệt mối đe dọa trước khi nó kịp chạm tới giáp xe.
Lớp phòng thủ thứ hai là giáp phản ứng nổ (ERA) mang tên Malachit. Đây là loại ERA thế hệ 4, có tính năng vượt trội so với Relikt trên xe tăng T-90A và T-90M.
Khả năng thực sự của Malachit chưa được công bố, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng nó có thể giảm tới 50% khả năng xuyên phá của các loại đạn chống tăng hiện đại.
Cuối cùng là lớp giáp phức hợp, được chế tạo từ nhiều lớp giáp thép cường độ cao kết hợp với sợi thủy tinh gia cường và vật liệu gốm.
Thiết kế giáp phức hợp cho phép ngăn chặn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau, trong khi độ dày lại nhỏ hơn nhiều so với giáp thép cán đồng nhất (RHA) có cùng khả năng bảo vệ.
Giáp mặt trước của T-14 Armata có độ dày tương đương 900 mm RHA trước đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) hoặc 1.400 mm RHA nếu gặp đạn xuyên nổ lõm (HEAT).
Hai bên sườn và mặt sau cũng được bảo vệ bởi giáp phức hợp, cùng các tấm ERA Malachit hoặc giáp lồng thép.
Lớp phòng vệ đa tầng này khiến T-14 Armata sống sót tốt hơn trước các loại vũ khí chống tăng uy lực nhất thế giới hiện nay.
Vũ khí chính trên T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm, thay thế cho mẫu 2A46M5 125 mm trên xe tăng T-90M.
Sơ tốc đầu nòng của 2A82-1M cao hơn 20% so với pháo Rheinmetall 120 mm L/55 tối tân của Đức, loại pháo tăng được đánh giá là tốt nhất thế giới hiện nay.
Đạn xuyên giáp của T-14 có thể bắn thủng lớp giáp dày tương đương 900 mm RHA từ khoảng cách 2 km.
Pháo 2A82-1M đạt tốc độ bắn tối đa 12 phát/phút, cao hơn nhiều so với mức 7-8 phát/phút của phiên bản 2A46M5 trên xe tăng T-90M.
Điều này cho phép T-14 Armata giao chiến với nhiều mục tiêu liên tiếp, hoặc duy trì mật độ hỏa lực cao hơn so với các thế hệ MBT trước đây.
Tháp pháo lớn cũng khắc phục một nhược điểm lâu năm trên các xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô và Nga, đó là góc hạ nòng nhỏ.
Thiết kế truyền thống của Liên Xô ưu tiên tháp pháo kích thước nhỏ, nhằm làm giảm mức độ bộc lộ trên chiến trường, phù hợp với điều kiện tác chiến trên địa hình bằng phẳng rộng lớn ở Đông Âu.
Tuy nhiên, điều này lại khiến xe tăng không thể hạ nòng pháo quá mức -5 độ, ảnh hưởng tới khả năng tấn công mục tiêu từ sau ụ đất hoặc các con dốc.
Xe tăng sẽ buộc phải lộ toàn thân ra nếu muốn giao chiến, khiến nó dễ trở thành mục tiêu của đối phương hơn.
Ngược lại, không gian rộng bên trong tháp pháo T-14 giúp nó đạt góc hạ nòng tới -10 độ, tương đương các xe tăng tối tân của phương Tây.
Điều này giúp T-14 Armata thích ứng với nhiều môi trường chiến đấu, cả trên bình nguyên rộng lớn và các vùng có địa hình phức tạp, nhiều chướng ngại vật.
Hệ thống trinh sát quang học của T-14 Armata có tầm phát hiện trên 5 km với mục tiêu có kích thước tương đương xe tăng trong điều kiện ban ngày, con số này giảm xuống còn 3,5 km với tổ hợp kính ngắm ảnh nhiệt trong đêm tối.
Pháo thủ được trang bị kính ngắm với độ phóng đại 4x và 12x, giúp họ phát hiện mục tiêu ở nhiều khoảng cách khác nhau.
Bộ đo xa laser có tầm hoạt động tối đa 7,5 km, giúp pháo thủ và trưởng xe tính toán khoảng cách, từ đó lựa chọn loại đạn phù hợp để tiêu diệt mục tiêu.

Để tăng độ chính xác, nòng pháo được trang bị cảm biến laser đo độ cong do chênh lệch nhiệt độ, cũng như cụm cảm biến khí tượng. Dữ liệu từ các thiết bị này sẽ được nạp vào máy tính điều khiển hỏa lực, giúp duy trì độ chính xác của phát bắn.

T-14 Armata có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Loại đạn có tầm bắn xa nhất là tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119M1 "Invar-M", bắn xa tới 8 km và đủ sức xuyên thủng lớp giáp có độ dày tương đương 700-900 mm RHA.

Để diệt xe tăng đối phương, pháo thủ có thể lựa chọn đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) 3BM70 "Vacuum-2" có khả năng xuyên thủng 800-900 mm RHA ở khoảng cách 2 km, hoặc đạn nổ lõm 3BK29M.

Xe còn được trang bị một tổ hợp súng máy điều khiển từ xa Kord cỡ nòng 12,7mm, được lắp trên kính ngắm trưởng xe để tránh cản trở tầm nhìn, bên cạnh súng máy đồng trục 7,62mm.

T-14 Armata được đánh giá là xe tăng đầu tiên trên thế giới đáp ứng mô hình chiến trường kết nối mạng hiện đại. Chúng có thể chia sẻ và kết nối các lực lượng với nhau trên cùng một mặt trận.

Mọi lực lượng tham chiến, từ bộ chỉ huy, khí tài quân sự, binh lính và thiết bị trinh sát sẽ được tích hợp vào một mạng thông tin duy nhất.

Điều này cho phép đồng bộ hoạt động tác chiến, tăng khả năng phản ứng, cơ động và hiệu quả của lực lượng quân sự.

Trong môi trường tác chiến mạng này, xe tăng sẽ phải liên kết với hệ thống trinh sát để phát hiện mục tiêu, kêu gọi hỗ trợ từ không quân và bộ binh đồng minh để tăng hiệu suất chiến đấu.

Dù các thông số được nhà sản xuất đưa ra cho thấy T-14 Armata là dòng siêu tăng đúng nghĩa, tuy nhiên để biết được chính xác hiệu suất thì phải chờ cho đến khi T-14 Armata. Bởi lẽ giữa quảng bá và thực tế không phải lúc nào cũng là hai đường thẳng song song.