'Siết chặt quá mức chung cư mini sẽ khó cho người lao động, sinh viên nghèo'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Việc bịt chặt kẽ hở trong quản lý chung cư mini là việc cần làm ngay, nhưng nếu siết chặt quá mức sẽ khó khăn cho người lao động, sinh viên nghèo”…

Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội sáng 1-11, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua như giọt nước tràn ly của những tích tụ bất cập lâu nay. Do vậy, cần phải giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp.

“Việc bịt chặt kẽ hở trong quản lý chung cư mini là việc cần làm ngay nhưng nếu siết chặt quá mức cần thiết thì sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường khi họ không có điều kiện để ở những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao” – Đại biểu Hoàng Đức Thắng lo ngại.

Thời gian qua, chúng ta đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ các nhà đầu tư các nhà dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà, còn người mua nhà chưa thể mua vì mức giá không phù hợp, thủ tục rườm rà, vị trí không phù hợp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu

Với một “rừng” quy định hành chính cùng với những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư. Do vậy, theo đại biểu, cần tháo gỡ ngay nút thắt điểm nghẽn, cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt thì mục tiêu cao cả mới trở thành hiện thực….

Cùng bày tỏ sự quan tâm đến công tác quản lý chung cư mini, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế hiện đang thiếu hành lang pháp lý quản lý chung cư mini, những lỗ hổng về hệ thống pháp luật đã dẫn đến lỗ hổng trong công tác quản lý chung cư này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, thực trạng pháp luật quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo. Dù Khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở hiện hành có dành một khổ để mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng.

Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là chung cư mini - một thuật ngữ không có trong luật. Điều này dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thảo luận

“Cần khẳng định, sự ra đời của các chung cư mini thời gian vừa qua đã đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân có mức thu nhập trung bình thấp. Mặc dù khi mua các căn hộ này, người dân cũng cảm nhận được nguy cơ mất an toàn nhưng tin rằng điều đó sẽ không xảy ra và điều này càng cho thấy thị trường đang thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở giá bình dân phù hợp với nhu cầu, túi tiền của phần đông người lao động” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng thống nhất rất cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhu cầu thực tế của người dân về nhà ở cần phải được bảo đảm nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini ở trong Luật Nhà ở.

Từ những phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các chung cư mini. “Việc kiểm tra để phát hiện vi phạm là cần thiết nhưng cũng cần hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa an toàn cháy nổ” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Cuối bài phát biểu, ĐBQH Bắc Kạn kiến nghị trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini.