Sẽ lãng mạn một cách bình dị!

(ANTĐ) -Vừa hoàn tất series phim “Bước nhảy xì tin”, đạo diễn trẻ Vũ Trường Khoa lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi thử sức mình ở loạt phim truyền hình mới về đề tài Hà Nội. 40 tập phim dự kiến lấy tên “Nếp nhà” hứa hẹn tái dựng “hồn phách” riêng về mảnh đất Thăng Long  xưa và nay. Đạo diễn Vũ Trường Khoa đã chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về dự án phim này.

“Nếp nhà” - series phim truyền hình về Hà Nội:

Sẽ lãng mạn một cách bình dị!

(ANTĐ) -Vừa hoàn tất series phim “Bước nhảy xì tin”, đạo diễn trẻ Vũ Trường Khoa lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi thử sức mình ở loạt phim truyền hình mới về đề tài Hà Nội. 40 tập phim dự kiến lấy tên “Nếp nhà” hứa hẹn tái dựng “hồn phách” riêng về mảnh đất Thăng Long  xưa và nay. Đạo diễn Vũ Trường Khoa đã chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về dự án phim này.

- PV: “Nếp nhà” - cái tên như gợi nét hoài cổ về một Hà Nội xưa, hẳn đó cũng là điều mà anh muốn khai thác trong bộ phim này?

- Đạo diễn Vũ Trường Khoa: Phim này không hẳn làm về Hà Nội xưa mà về những nét đẹp truyền thống vốn có vẫn tồn tại ở người Hà Nội bao đời nay và bối cảnh chính lại là Hà Nội đương đại. Đó là câu chuyện về một gia đình người Hà Nội với ba thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà.

Mỗi thế hệ có cách tư duy nhìn nhận cuộc sống khác nhau. Thế hệ ông bà luôn khe khắt trong việc giữ gìn nền nếp gia phong, thế hệ cha mẹ ngoài việc tiếp nối lối sống cổ xưa cũng có sự thích ứng riêng trước những thay đổi trong cuộc sống hiện đại, còn lớp trẻ con cháu sau này thì phóng khoáng hơn, thậm chí còn muốn vượt ra khỏi truyền thống nền nếp gia đình. Song khi biến cố xảy ra với một thành viên trong gia đình, tất cả đều tìm mọi cách để tổ ấm ấy không lung lay. Đó chính là “cái xưa” của Hà Nội mà tôi muốn thể hiện qua lăng kính của con người và cuộc sống hiện đại.

- Vậy điều gì sẽ tạo nên điểm nhấn riêng cho tâm hồn và lối sống của người Hà Nội xuyên suốt 40 tập phim này?

- Đó là sự lãng mạn! Sự lãng mạn ấy không nằm ở một gốc bàng lá đỏ, một góc phố rêu phong hay hàng liễu nghiêng bóng rủ xuống mặt hồ mà trong chính cách ứng xử và sinh hoạt hàng ngày của người Hà Nội.

- Việc chọn bối cảnh quay sao cho vừa gần gũi, vừa sinh động mà vẫn có thể được người xem chấp nhận được anh giải quyết như thế nào?

- Khi làm phim về Hà Nội mà chọn bối cảnh quay không cẩn thận rất dễ bị khán giả “bắt lỗi” (cười). Nhất là khi làm một bộ phim mà trong cái “nay” vẫn phải có cái “xưa”. Bởi thế chúng tôi phải tìm kiếm rất kỹ càng mới chọn được một ngôi nhà trong phố cổ làm bối cảnh chính. Ngoài ra phim sẽ sử dụng một số ngôi nhà cổ khác làm bối cảnh phụ như việc mượn trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm tòa soạn báo.

Mặc dù làm về Hà Nội song trong phim cũng nhắc đến cả một số địa danh liên quan đến Hà Nội về mặt văn hóa. Đó là những làng nghề ở các miền quê từng khai sinh ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ lẫn sản phẩm văn hóa truyền thống kết tinh ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Nhờ đó người xem sẽ hiểu thêm về nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc như: ca trù, chầu văn, quan họ…

- Anh từng bị bảo là hơi… già khi đạo diễn bộ phim “Bước nhảy xì tin”, còn khi đảm nhận series phim này thì nhiều người lại e rằng anh  hơi… trẻ quá. Điều ấy có làm anh rụt rè hay thiếu tự tin không?

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ (trái) sẽ tham gia phim

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ (trái) sẽ tham gia phim

- Đúng là khi làm “Bước nhảy xì tin”, tôi bằng tuổi phụ huynh của lứa tuổi teen nên bị “chê” già là phải (cười). Ngược lại với phim này, tôi chắc rằng ai nhận làm cũng đều lo không đủ kinh nghiệm và vốn sống về Hà Nội. Song bản thân tôi được sinh ra trong một gia đình Hà Nội nên phần nào cũng hiểu được cách nghĩ và cách sinh hoạt của con người nơi đây.

Hơn nữa, bản thân kịch bản phim đã đậm “chất” Hà Nội rồi bởi tác giả kịch bản - nhà biên kịch Thùy Linh cũng là một người Hà Nội gốc nên rất yêu, hiểu và đam mê Hà Nội. Tôi tìm cách bù đắp sự “non trẻ” mà nhiều người e ngại ấy bằng việc quan sát, gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều người dành tâm huyết nghiên cứu về Hà Nội. Tôi không dám nói trước mình sẽ thể hiện thành công bộ phim này nhưng tôi tin sẽ thuyết phục được người xem bằng chính sản phẩm của mình!

- Anh vẫn có tiếng là chịu khó “dành đất” cho các diễn viên “tay ngang”,  ở phim này thì sao?

- Tôi không phân biệt lắm chuyện diễn viên chuyên nghiệp hay nghiệp dư, chỉ là phù hợp hay không phù hợp thôi. Nhưng đúng là ở một bộ phim đòi hỏi diễn xuất chiều sâu như “Nếp nhà”, tôi chọn giải pháp an toàn hơn (cười) khi quyết định mời một số anh chị diễn viên có kinh nghiệm và thâm niên diễn như: Hữu Độ, Ngọc Lan, Minh Châu, Đỗ Kỷ, Hương “Bông”... Đó là những người xuất thân từ gia đình Hà Nội hoặc đã sống lâu năm ở mảnh đất này. Bản thân những người này đã có cách nhìn nhận thể hiện phần nào sự am hiểu và quan điểm sống của người Hà Nội nên khi nhập vai sẽ diễn xuất một cách tự nhiên mà không cần lên gân.

- Nhìn toàn cảnh, bức tranh về Hà Nội trong 40 tập phim sẽ được anh phác họa thế nào?

-  Trung thực với Hà Nội của ngày qua cũng như ngày hôm nay, không tô hồng, cũng không tầm thường. Đó là bức tranh mà tôi đã, đang và sẽ tìm cách thể hiện một cách chân thực và có chọn lọc nhất về Hà Nội!

- Chúc đạo diễn và đoàn làm phim thu được nhiều thành công với dự án phim này!

Dương Cầm

(Thực hiện)