Sẽ hết cảnh bệnh nhân "nằm... đè lên nhau"?

ANTĐ - Đến thời điểm này, tình trạng quá tải tại hầu hết các bệnh viện (BV) Trung ương vẫn diễn ra khá trầm trọng.

Thế nhưng không thể phủ nhận, nhờ làm tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế  và mở rộng triển khai mô hình BV vệ tinh trong vài năm qua, bộ mặt một số BV lớn đã đổi thay đáng kể.

Giảm chuyển tuyến 30-50%
Là BV tuyến đầu về ngoại khoa của cả nước, mỗi năm BV Việt Đức nhận khám và điều trị cho hơn 200.000 bệnh nhân, phẫu thuật gần 40.000 trường hợp phức tạp. Lượng bệnh nhân đông và luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, thế nhưng điều đáng ghi nhận là đến nay tại BV này hoàn toàn không có tình trạng nằm ghép giường. Thậm chí, tất cả bệnh nhân đều được nằm ở các phòng có máy điều hòa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV giải thích kết quả có được là nhờ BV đã làm tốt công tác chỉ đạo tuyến và dự án BV vệ tinh (xây dựng 6 BV vệ tinh tại các tỉnh phía Bắc), đồng thời làm tốt công tác hỗ trợ y tế tuyến dưới thông qua Đề án 1816. Ông Quyết khẳng định, ở các địa phương có BV về hỗ trợ số bệnh nhân chuyển viện lên tuyến Trung ương giảm từ 30 đến 50%. Còn nếu không triển khai tốt mô hình BV vệ tinh, bệnh nhân từ các BV này cứ chuyển hết lên BV Việt Đức thì… “BV Việt Đức có xếp lịch mổ đến 5 năm sau vẫn chưa hết”.

Tìm hiểu tại các BV vệ tinh của BV Việt Đức cho thấy, chỉ trong vài năm được triển khai dự án BV vệ tinh, chất lượng khám chữa bệnh tại những BV này đã nâng lên đáng kể. Ths. Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 2004 đến nay, BV đã được dự án BV vệ tinh đầu tư thêm hệ thống phòng mổ mới, cải tạo các phòng mổ cũ. BV Việt Đức cử nhiều chuyên gia về trực tiếp tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn, phẫu thuật cấp cứu…

 

Chuyển tuyến là nguyên nhân gây quá tải tại các bệnh viện Trung ương 

Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh tại BV đa khoa Thanh Hóa đã được cải thiện, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Năm 2008, tổng số bệnh nhân đến khám tại BV là gần 183.000, trong đó số bệnh nhân nhập viện khoa ngoại là 17.259 và số bệnh nhân được phẫu thuật là 8.429 ca. Đến năm 2010, số bệnh nhân đến khám giảm hơn (134.824 lượt người) nhưng số nhập viện khoa ngoại tăng lên 19.819 ca và số ca được phẫu thuật cũng tăng mạnh lên 11.046 ca…
Đặc biệt, tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau vài năm triển khai dự án BV vệ tinh của BV Việt Đức, số bệnh nhân ngoại khoa phải chuyển lên tuyến Trung ương đã giảm đến 50%. Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc BV cho biết, BV đã có 28 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên ngoại khoa được các chuyên gia BV Việt Đức đào tạo, số phòng mổ và trang thiết bị của BV cũng tăng hơn và hoàn thiện hơn (ban đầu có 2 khoa ngoại, nay BV đã có 4 khoa ngoại). Nhờ đó, sau 5 năm, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có đội ngũ phẫu thuật viên làm chủ được những kỹ thuật ngoại khoa thông thường và bắt đầu đi vào lĩnh vực chuyên sâu. Không chỉ người dân Phú Thọ mà bệnh nhân các tỉnh lân cận cũng tin tưởng trình độ điều trị tại đây, thay vì chuyển xuống BV Việt Đức như trước kia...

Nâng cao y tế cơ sở

Cùng với việc triển khai BV vệ tinh, trong 2 năm qua BV Việt Đức đã cử gần 150 lượt cán bộ đi luân phiên theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, chuyển giao hàng trăm kỹ thuật thuộc 14 lĩnh vực chuyên khoa cho cán bộ của BV tuyến dưới, từ BV đa khoa tỉnh Lai Châu, Điện Biên đến Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái… Đây đều là những địa phương còn thiếu về nhân lực và trang thiết bị, trình độ ngoại khoa yếu kém. Các cán bộ đi luân phiên cũng mở hơn 100 lớp tập huấn cho 26 đơn vị y tế tuyến dưới với hàng nghìn học viên tham gia.

Song song với 2 đề án quan trọng đó, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại BV Việt Đức cũng được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đến nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Chính sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật mới, chuyên sâu đã giúp BV nâng cao hiệu quả điều trị, giảm ngày nằm điều trị cho bệnh nhân, từ đó góp phần giảm quá tải bệnh nhân nội trú.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, cả Đề án 1816 và dự án BV vệ tinh đều đang phát huy được hiệu quả khá rõ nét giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, gián tiếp giúp giảm chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương. Sau Việt Đức, BV Bạch Mai cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt dự án xây dựng BV vệ tinh và đến nay BV này đã có hệ thống 7 BV vệ tinh ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai mạnh dự án nâng cấp hơn 600 BV đa khoa tuyến huyện, hơn 200 BV tuyến tỉnh và các BV chuyên khoa… Một khi các giải pháp đều được thực hiện tích cực, hiệu quả thì chắc chắn tình trạng quá tải, nằm ghép ở các BV tuyến trên sẽ giảm xuống.

Thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Bộ đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng đặt tại BV Việt Đức. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận tạng hiến và điều phối nguồn hiến, ghép để các BV thuận lợi hơn trong việc ghép tạng cho người bệnh. Trung tâm cũng có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện. Hiện tại, trình độ ghép tạng ở Việt Nam tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu nguồn tạng hiến. Trong năm 2010 tại BV Việt Đức có hơn 1.000 trường hợp chết não nhưng chỉ có 4 trường hợp hiến tạng.