Sẽ có quy trình xử lý nghệ sĩ, KOLs vi phạm trên không gian mạng vào tháng 10

ANTD.VN -  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Bộ VH- TT&DL sẽ phối hợp ban hành quy trình xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng (KOLs) vi phạm vào tháng 10 tới.

Nhiều nghệ sĩ có hành vi vi phạm trên mạng, cần bị xử lý

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Quyết định về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch giao nhiệm vụ cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT) sẽ phối với với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) ban hành quy trình quản lý người nổi tiếng trên mạng.

Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm nêu trên được đề xuất là: hạn chế phát sóng, biểu diễn quảng cáo đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Thời gian thực hiện tháng 10 năm nay.

Theo Cục PT-TH&TTĐT, hiện có thực trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục liên quan đến hoạt động biểu diễn, phát ngôn, quảng cáo… nhưng các quy định pháp luật hiện hành chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Bên cạnh đó, mặc dù Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý.

Thời gian qua, vi phạm của các nghệ sĩ có thể dễ dàng thấy như: phát hành MV cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực giới trẻ; đưa tin sai sự thật; quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng... Trong khi đó, hình thức xử lý vi phạm hành chính cao nhất là phạt tiền 80 triệu đồng chưa đủ sức đe. Vì vậy, cần có biện pháp cương quyết hơn để ngăn chặn vi phạm.

Ngoài nhiệm vụ trên, Kế hoạch còn đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao, từ 90-95%, thời gian xử lý dưới 24 tiếng, khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store.

Đồng thời, Bộ TT-TT cũng sẽ kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới, thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam;

Xử lý từ 80% trở lên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội có hoạt động “báo hóa”, tiến tới xử lý dứt điểm;

Tăng số lượng tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam từ 90 triệu lên 120 triệu tài khoản; Thị phần quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp trong nước tăng từ 5-10%;