Sẽ bổ sung quy định để hạn chế tình trạng đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ

ANTD.VN - Theo Bộ Nội vụ, nhiều luật chuyên ngành hiện nay đang quy định trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể đối với Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết quá nhiều công việc cụ thể thuộc phạm vi quản lý về ngành, lĩnh vực của các Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Cơ quan này cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính phủ đã bộc lộ một số hạn chế bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Một trong những bất cập được Bộ Nội vụ nêu ra là, Luật Tổ chức Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, nhiều luật chuyên ngành hiện nay đang quy định trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể đối với Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết quá nhiều công việc cụ thể thuộc phạm vi quản lý về ngành, lĩnh vực của các Bộ.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung 11 điều.

Trong đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung một điều quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Nội dung của điều này, quy định bao quát các nội dung cần điều chỉnh trong Luật.

Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ Cơ bản kế thừa các quy định tại Điều 5 Luật hiện hành và hoàn thiện bổ sung nguyên tắc: Xác định các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại các luật chuyên ngành cần bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ tại Luật này;

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đi đôi với tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo 02 phương án. Trong đó, phương án 1: Cơ bản kế thừa các quy định tại Điều 6 đến Điều 25 của Luật hiện hành và có rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định để thực hiện kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp theo yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Phương án 2, khái quát các nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chính phủ, trong đó thể hiện rõ những vấn đề Chính phủ quản lý thống nhất.

Đáng chú ý, về quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng cơ bản kế thừa các quy định tại Điều 33 Luật hiện hành.

Tuy nhiên, cần hoàn thiện bổ sung để đề cao trách nhiệm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với các vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ, hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý nhà nước đã được Chính phủ phân công cho Bộ, ngành mình quản lý.

Bên cạnh đó cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành được giao chủ trì đối với các nội dung quản lý có sự tham gia phối hợp của Bộ, ngành khác có liên quan...