- Gần 84.000 Thẻ căn cước đã được cấp cho người dân
- Cận cảnh quy trình thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
Đồng loạt triển khai tại 31 điểm
Đúng 7h ngày 1-7, tại 31 địa điểm gồm Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) và công an 30 quận, huyện, thị xã thuộc CATP Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Luật Căn cước, thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước cho công dân có nhu cầu. Ngay sau lễ phát động, các đơn vị đã triển khai thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước (TCC) cho công dân tại trụ sở đơn vị. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tổ chức thêm một tổ công tác lưu động cấp TCC, Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch ngay tại Sân bay quốc tế Nội Bài.
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội tổ chức cấp căn cước cho công dân tại 30 quận, huyện thị xã |
Cuối giờ sáng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã đến kiểm tra công tác cấp TCC tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Đồng chí Phó Giám đốc CATP yêu cầu, với nhiều ứng dụng mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự học tập, rèn luyện nghiệp vụ, đồng thời giữ thái độ đúng mực, tác phong đúng điều lệnh Công an nhân dân, phục vụ nhân dân nhiệt tình, có trách nhiệm.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, các tổ công tác tiếp dân của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH thuộc công an 30 quận, huyện, thị xã và Đội 2 - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phục vụ nhân dân với tinh thần nhiệt tình, chu đáo hướng dẫn… Kết quả đã được cụ thể hóa bằng số lượng hồ sơ thu nhận. Từ 7h - 17h ngày 1-7, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu nhận 4.532 trường hợp hồ sơ cấp TCC. Cụ thể, nhóm đối tượng từ 0 đến dưới 6 tuổi có 106 trường hợp; từ 6 đến dưới 14 tuổi có 735 trường hợp; từ 14 tuổi trở lên có 3.691 trường hợp. Tổ công tác của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với CAH Sóc Sơn thu nhận tại Sân bay quốc tế Nội Bài 22 trường hợp công dân học tập, làm việc, du lịch từ nước ngoài về có nhu cầu cấp TCC. Và trong 2 tuần đầu tiên triển khai, số lượng hồ sơ đã tăng đều theo từng ngày. Ghi nhận đến ngày 13-7, trung bình mỗi ngày, toàn lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH (CATP Hà Nội) thu nhận 8.000 hồ sơ cấp TCC.
Cán bộ công an hướng dẫn các cháu bé làm Thẻ căn cước |
Những guồng quay không nghỉ
19h ngày 5-7 tại hội trường UBND xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, những công dân đủ mọi lứa tuổi ngồi chờ đến lượt làm hồ sơ cấp TCC. Thông qua các kênh thông tin, người dân được biết hôm nay Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAH Hoài Đức sẽ triển khai tổ công tác lưu động thu nhận hồ sơ cấp TCC tại địa phương. “Thẻ căn cước đã mở rộng đối tượng, cấp cho cả trẻ con, người lớn, tiện lợi biết bao nhiêu, đi đâu có chiếc thẻ nhỏ gọn, không phải cầm giấy khai sinh nữa” - ông Nguyễn Đình Quyền, người dân xã Kim Chung hồ hởi nói.
Biết tổ công tác bắt đầu làm việc từ 7h, những người dân xã Kim Chung ăn vội bữa cơm sớm rồi gọi nhau ra hội trường xếp hàng chờ đến lượt. Trung tá Nguyễn Thị Hiền - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAH Hoài Đức cho biết, xác định được tầm quan trọng của việc cấp TCC và tài khoản định danh điện tử cho công dân dưới 14 tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, CAH Hoài Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền, phân công cán bộ, chiến sĩ phối hợp với công an các xã, thị trấn, tổ chức cấp TCC lưu động cho công dân dưới 14 tuổi trong thời nghỉ hè, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, nhận định nhu cầu cấp TCC của công dân là rất lớn, cùng với việc duy trì thường xuyên cấp TCC ngay tại trụ sở, CAH Hoài Đức đã tổ chức cấp TCC lưu động vào các buổi tối và ngày cuối tuần tại trụ sở công an các xã, thị trấn trên địa bàn, tạo điều kiện để tất cả các công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi được thu nhận hồ sơ cấp TCC.
22h30… những người dân cuối cùng rời khỏi hội trường. Các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAH Hoài Đức lặng lẽ thu dọn máy móc. “Cấp lưu động thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi thu nhận sinh trắc học, nhưng vì mục tiêu phục vụ người dân, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì, góp phần triển khai thành công việc cấp TCC trên địa bàn huyện” - Trung tá Nguyễn Thị Hiền bày tỏ.
Không chỉ riêng CAH Hoài Đức, nhiều đơn vị khác của CATP Hà Nội cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè của các em học sinh trong độ tuổi từ 6 đến dưới 14 tổ chức triển khai cấp lưu động. Để phục vụ nhu cầu làm TCC của nhân dân đang tăng cao, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAQ Đống Đa và công an các phường đã triển khai nhiều tổ công tác làm việc cả thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối… Trung tá Nguyễn Duy Định - Trưởng CAP Phương Mai (quận Đống Đa) cho biết, ngay khi triển khai Luật Căn cước 2023, chỉ huy CAQ đã chỉ đạo công an các phường phối hợp chặt chẽ với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân làm TCC. “Đối với lứa tuổi từ 0 đến 6 tuổi không cần thu nhận sinh trắc học mà chỉ cần giấy khai sinh của các bé. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu Cảnh sát khu vực tiến hành rà soát và thông báo đến công dân trên địa bàn mình về việc cấp căn cước cho các bé trong độ tuổi này. Nội dung thông báo rõ thời gian, địa điểm và các giấy tờ cần thiết để người dân có sự chủ động chuẩn bị chu đáo, không mất nhiều thời gian đi lại, tạo sự thuận tiện cho công dân” - Trung tá Nguyễn Duy Định thông tin.
CAP Phương Mai cũng đã tăng cường lực lượng, CBCS chia ca làm việc vào tất cả các ngày trong tuần và buổi tối đến 22h để phục vụ nhân dân đến làm TCC.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Cúc - Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (CAQ Thanh Xuân): Không để người dân nào phải chờ đợi lâu
Ngay trong 2 tuần đầu thực hiện Luật Căn cước 2023, tại trụ sở các công an các phường, quận, huyện rất đông người dân có nhu cầu làm Thẻ căn cước đến để làm các thủ tục. Để phục vụ nhân dân tốt nhất, tránh người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, mất công sức, Ban chỉ huy CAQ Thanh Xuân đã động viên cán bộ, chiến sĩ tăng cường lực lượng, tăng giờ làm việc, “làm hết việc, chứ không hết giờ”, không để người dân nào phải chờ đợi lâu. Mặc dù phải tăng ca làm việc cuối tuần, không có ngày nghỉ, áp lực và khối lượng công việc vào các ngày thường rất lớn, nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân, tôi và các chiến sĩ trong đội rất vinh dự và tự hào được cống hiến. Lần đầu tiên được chứng kiến các em nhỏ từ 6 - 14 tuổi háo hức đi làm Thẻ căn cước, chính chúng tôi cũng rất xúc động. Có lẽ đó là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng phục vụ nhân dân.
Đội Cảnh sát QLHC và TTXH CAQ Thanh Xuân đã hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ Cảnh sát khu vực của công an 11 phường trên địa bàn cùng phối hợp thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước cho công dân từ 0 - 6 tuổi. Đến nay, các phường đã bước đầu thu nhận và trả những chiếc căn cước đầu tiên cho các công dân nhỏ tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng với những tiện ích mang lại của Thẻ căn cước, người dân nên chủ động sắp xếp, bố trí thời gian, công việc để cùng gia đình đến trụ sở công an để cập nhật thông tin, làm Thẻ căn cước mới.
Em Nguyễn Bảo Ngọc (13 tuổi, trú tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội): Háo hức chờ sở hữu tấm Thẻ căn cước đầu tiên
Khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực, ngay trong tuần đầu của tháng 7 em đã nhờ bố mẹ đưa đi làm Thẻ căn cước. Em và bạn bè rất háo hức mong chờ xem ai là người được sở hữu tấm Thẻ căn cước đầu tiên. Em được biết các cô chú công an còn làm vào cả những ngày cuối tuần và các buổi tối. Vì thế bố mẹ có thể đưa em đi làm Thẻ căn cước vào thứ bảy, chủ nhật mà không cần phải nghỉ làm. Các cô chú công an cũng rất tận tình hướng dẫn em thu nhận sinh trắc học. Vì vậy, chỉ mất vài phút đã hoàn tất các thủ tục. Trước đây, phải đợi đến khi tròn 14 tuổi em mới có thể đi làm Thẻ căn cước và sử dụng nó cho các hoạt động khác như đi máy bay, làm thẻ ngân hàng, mua sim điện thoại… Khi luật mới được áp dụng, Thẻ căn cước được cấp cho mọi lứa tuổi, chúng em không còn phải đợi đến khi 14 tuổi nữa. Mọi thủ tục giao dịch được sử dụng bằng căn cước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Em cũng biết Thẻ căn cước mới được tích hợp mống mắt, vân tay, hình ảnh, sẽ rất an toàn trong bảo mật thông tin, giao dịch ngân hàng, điện thoại. Chỉ cần mất 7 - 10 ngày, những chiếc Thẻ căn cước mới sẽ được gửi về tận nhà . Em thấy như vậy là rất thuận lợi vì chúng em không phải đi lại nhiều lần.