Sát 'giờ G', Nga bất ngờ tuyên bố các nước mua khí đốt không phải trả bằng ruble ngay lập tức

ANTD.VN - Sát thời điểm ngày 31/3/2022 được Tổng thống Putin đưa ra, Điện Kremlin bất ngờ tuyên bố các nước mua khí đốt không phải trả bằng ruble ngay lập tức, việc trả bằng đồng nội tệ Nga sẽ được thực hiện dần dần. 
Khí đốt tiếp tục là vũ khí mạnh mẽ của Nga nhằm đối phó với Liên minh châu Âu (EU). Trước những đòn trực phạt của phương Tây, Nga bất ngờ nêu điều kiện rằng, các nước nếu tiếp tục muốn mua khí đốt thì đều phải trả bằng đồng ruble.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/3 cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới các nước “những nước không thân thiện”,

"Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả... đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó", ông Putin nói tại cuộc họp trên truyền hình với các bộ trưởng hàng đầu của chính phủ.

"Không ai cung cấp khí đốt miễn phí cả. Điều này là không thể. Và khí đốt chỉ có thể được thanh toán bằng đồng ruble", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 29/3/2022.
"Các công ty phải hiểu rằng tình hình đã hoàn toàn thay đổi do cuộc chiến kinh tế chống lại Nga", ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Tuyên bố trên ngay lập tức khiến thị trường khí đốt của châu Âu chao đảo. Giá khí đốt ở một số quốc gia của châu lục này đã tăng tới 30%.
Trong khi đó, giá dầu trên thị trường thế giới cũng tăng gần 5%. Ước tính lượng khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ của châu Âu.
Moscow ấn định thời điểm để các nước bắt đầu thanh toán bằng đồng ruble là vào ngày 31/3/2022.
Chính phủ Nga, Ngân hàng Trung ương Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom cũng đã đệ trình ông Putin hệ thống cho phép thanh toán khí đốt bằng đồng ruble vào ngày 31/3.
Tuy vậy sát thời điểm ấn định, Điện Kremlin bất ngờ tuyên bố Nga chưa bắt buộc các bên phải mua khí đốt nước này bằng đồng ruble ngay từ ngày mai mà sẽ chuyển đổi dần dần.

"Như chúng tôi đã thảo luận từ trước, thanh toán và cung cấp là quá trình cần thời gian. Điều này không có nghĩa là các giao dịch phải thanh toán luôn bằng đồng ruble ngay trong ngày mai", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa cho biết, khi được hỏi liệu các bên có phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 31/3 như tuyên bố của Nga trước đó hay không.

"Xét từ quan điểm liên quan công nghệ, đây là quá trình dài", ông Dmitry Peskov cho biết thêm.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, đại diện nước chủ tịch G7 năm nay, hôm 28/3 tuyên bố nhóm này từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Ông Robert Habeck cho rằng hành động của Nga là "đơn phương và rõ ràng đã vi phạm các thỏa thuận sẵn có", đồng thời kêu gọi các công ty năng lượng không tuân theo yêu cầu của Tổng thống Putin.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin hôm nay nhấn mạnh EU sẽ phải thanh toán bằng đồng ruble nếu mua khí đốt Nga và có thể áp dụng phương thức thanh toán này cho các mặt hàng dầu, ngũ cốc, kim loại, phân bón, than và gỗ.
Khi được đề nghị bình luận về phát biểu của ông Vyacheslav Volodin, người phát ngôn Điện Kremlin đánh giá đây là ý tưởng chắc chắn nên được xem xét thực hiện.
Các nhà phân tích coi yêu cầu mới của Nga là nỗ lực của Moscow nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các biện pháp cấm vận.
Với các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.

Khi mệnh lệnh của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày.

Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Điều này giúp Msocow thu được khoảng từ 200-800 triệu euro mỗi ngày. Đây là khoảng tiền khổng lồ đóng góp cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nga.
Nếu cả Nga và EU không nhượng bộ dẫn tới thỏa thuận khí đốt và dầu thô đổ vỡ, lúc này thiệt hại lớn sẽ cho cả đôi bên.
EU sẽ không thể một sớm một chiều tìm được nguồn cung thay thế trong khi nền kinh tế Nga vốn đã chật vật bởi lệnh cấm vận, nếu thiếu nguồn thu từ bán khí đốt cho châu Âu họ sẽ càng thêm khó khăn chồng chất.
Trong bối cảnh hiện tại, Nga đang rất cần số tiền khổng lồ từ việc bán khí đốt và dầu thô cho châu Âu để duy trì nền kinh tế

Trước đó Mỹ đã gây sức ép lên Liên minh châu Âu (EU) nhằm cấm vận nguồn khí đốt và dầu thô từ nga, nhưng EU từ chối (Hình ảnh các đường ống dẫn khí đốt từ Nga cho châu Âu).

Hiểu được sự cần thiết của châu Âu đối với khí đốt của mình, Nga sẽ tiếp tục có những bước đi đầy toan tính nhằm đem lại lợi ích cho mình.