Sắp có thêm hàng loạt quy định mới siết chặt nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bổ sung nhiều hành vi bị cấm, thêm hàng loạt quy định về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy… là những điểm mới tại Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

So với quy định hiện hành, Điều 10 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như:

Xúc phạm, đe dọa lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ; Thi công về phòng cháy và chữa cháy không đúng với thiết kế đã được thẩm định;

Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Báo tai nạn, sự cố giả.

Chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có văn bản thẩm định; đưa phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Đặc biệt, Dự thảo còn bổ sung quy định hoàn toàn mới về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Theo khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sau khi tổ chức nghiệm thu dự án, công trình thuộc danh mục phải thẩm định thiết kế theo quy định thì chủ đầu tư phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành để kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ được phép đưa hạng mục công trình, công trình đã được xây dựng hoàn thành vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành đã thẩm định thiết kế kiểm tra và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 60-100 triệu đồng (khoản 4 Điều 38 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa yêu cầu đối với thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp phòng cháy và chữa cháy. So với khoản 1 Điều 15 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành, nội dung lập dự án, thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy không còn yêu cầu phải có địa điểm xây dựng và dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

Ngoài ra, các nội dung về “Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy”; “Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy”, được thay thế bằng: “Bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan”; “Hệ thống chống khói”; “Hệ thống phòng cháy và chữa cháy”.

Mặt khác, Dự thảo còn điều chỉnh một số yêu cầu cơ bản về phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, địa điểm làm việc, công trình phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy sau:

Có biện pháp phòng cháy như thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; trang bị phương tiện phòng cháy; kiểm tra phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy;

Có quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Bảo đảm an toàn phòng cháy đối với từng loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh…