Sản xuất, tiêu thụ cùng sụt giảm

ANTĐ - Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực của Việt Nam đã sụt giảm sản lượng trong tháng 2-2012, dù qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá lâu. Kèm theo đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng có dấu hiệu đi xuống. 

Sản xuất, tiêu thụ cùng sụt giảm  ảnh 1
Ảnh Internet

Sản xuất chưa lạc quan

Với ngành công nghiệp chế biến trọng điểm như dệt may, xuất khẩu có dấu hiệu giảm, báo hiệu những khó khăn trong sản xuất. Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, đã qua 2 tháng mà các đơn hàng xuất khẩu trong năm vẫn chưa ổn định thậm chí có dấu hiệu giảm. Cụ thể, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 8,2% so với cùng kỳ, vải dệt từ sợi bông tuy tăng nhưng không đáng kể. Điều đó làm sản phẩm quần áo may sẵn cho người lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tương tự, ngành da giày cũng có “triệu chứng” bi quan khi tháng 2 đã qua nhưng sản xuất chưa ổn định và thiếu tính bền vững do phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố nước ngoài (vốn, nguyên vật liệu, công nghệ, thị trường...). Sản phẩm giày thể thao ước đạt 45,6 triệu đôi, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài 2 ngành sản xuất này, các doanh nghiệp trong ngành giấy tiếp tục giảm trong 2 tháng đầu năm. Sản phẩm giấy bìa các loại 2 tháng ước đạt 272,6 nghìn tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2011. Bộ Công Thương cho rằng, do tình hình thị trường có nhiều biến động bất lợi, giá cả vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như: gỗ, bột giấy, hoá chất… biến động nhiều; giấy trong nước còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu; nhiều doanh nghiệp đã mất thế chủ động về sản xuất bột giấy và phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu dẫn đến những khó khăn trên. 

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp bia rượu, nước giải khát; cơ khí, điện, điện tử... đều giảm hoặc tăng ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Thanh Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, so với tháng trước, tồn kho tháng 2 giảm 2,2%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2011 thì con số này lại tăng đến 17,4%. 

Hàng hóa khó tiêu thụ

So với tháng 1-2012, tháng có Tết Nguyên đán, tiêu thụ hàng hóa tháng 2 giảm 3,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng chỉ đạt 4,4%. 

Đánh giá về con số này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: “Đây là mức tăng trưởng dương và đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế khó khăn”. Theo ông Quyền, thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tiêu dùng cá nhân đang dừng lại ở những nhu cầu thiết yếu, trọng tâm là việc ăn uống; tiêu dùng khác đang co lại. Điều này được chứng minh khi sữa, thép, phân bón, hóa chất, rượu - bia - nước giải khát… đều giảm. “Tổng quan sức mua trên thị trường có chiều hướng giảm, dù chưa phải mức báo động nhưng đó là dấu hiệu cảnh báo các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu tìm biện pháp giải quyết” - ông Quyền cho hay. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến tiêu dùng sụt giảm là do tín dụng vẫn chưa được nới lỏng, lạm phát ở mức cao. Bên cạnh đó, một số hàng hóa tăng giá: gas, sữa ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người dân. Đối với riêng 2 mặt hàng thiết yếu này, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp khác; Người tiêu dùng ở một số vùng nông thôn giảm lượng sữa sử dụng hoặc chuyển sang các loại sữa có giá thấp hơn nên hoạt động kinh doanh của các đại lý, cửa hàng kém sôi động. Sản lượng sữa bột tháng 2-2012 ước đạt 5 nghìn tấn, giảm 5,5% so với tháng 1.

Ông Quyền cho biết thêm, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho, giúp thị trường trong nước ổn định hơn.