Sách lậu làm khổ sách dịch

Trong các đầu sách văn học dịch Việt Nam, có lẽ không một cuốn sách nào lại “nổi tiếng” - theo cả hai nghĩa, tăm tiếng lẫn tai tiếng - như tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown.

Sách lậu làm khổ sách dịch

Trong các đầu sách văn học dịch Việt Nam, có lẽ không một cuốn sách nào lại “nổi tiếng” - theo cả hai nghĩa, tăm tiếng lẫn tai tiếng - như tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown.

"Da Vinci" in lậu được bày bán tràn lan

Nổi tiếng, bởi đây là cuốn sách được đánh giá là “kỳ quan văn học thế giới đầu thế kỷ 21”, đã bán được gần 40 triệu bản trên toàn thế giới. Còn tai tiếng, là bởi khi NXB Văn hóa Thông tin phát hành cuốn sách bản tiếng Việt có rất nhiều bạn đọc và dịch giả lên tiếng về chất lượng của bản dịch, thậm chí còn gọi đây là “thảm họa dịch thuật”

Sau khi nhận được sự phản hồi của người đọc, NXB Văn hóa Thông tin đã mời nhà văn - dịch giả nổi tiếng Dương Tường sửa chữa, hiệu đính cuốn sách.

Việc nhà văn Dương Tường “ở ẩn” suốt mấy tháng liền để tập trung hiệu đính bản dịch đã khiến người yêu văn học phấn khởi rằng: Mình sẽ được đọc Mật Mã Da Vinci bằng bản tiếng Việt hay nhất, tốt nhất. Và quả thật Mật Mã Da Vinci bản hiệu đính phát hành đã nhận được sự ủng hộ của độc giả.

Tuy nhiên, mới đây, độc giả Trần Nhuận Minh lại có bài “Một bản dịch in ẩu chưa từng thấy” đăng trên báo Tiền Phong, và sau đó được nhiều tờ báo điện tử in lại liệt kê rất nhiều lỗi sai về tên, chữ số, dấu câu và ngữ nghĩa trong bản dịch đã được hiệu đính của Mật Mã Da Vinci.

“Một cuốn sách hay, in đẹp, chỉ tiếc có vô cùng nhiều lỗi, chứng tỏ người làm vi tính cẩu thả và người biên tập đã rất vô trách nhiệm trong việc rà soát bản in thử.

Và cuối cùng, người ký duyệt cho máy in quyển sách này phải nói là quá coi thường bạn đọc đến mức không thể chấp nhận được” - độc giả Trần Nhuận Minh đã viết như vậy trong bài của mình.

NXB Văn hóa Thông tin đã lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, kiểm tra đối chiếu những trang sách bị liệt kê lỗi và kết luận rằng: Hoàn toàn không có những lỗi mà bạn đọc Trần Nhuận Minh đã nêu.

Vậy tại sao lại có chuyện “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” như vậy trên cùng một bản dịch? Theo ông Nguyễn Văn Khương - PGĐ NXB Văn hóa Thông tin, nguyên nhân là bởi độc giả Trần Nhuận Minh đã mua phải bản Mật Mã Da Vinci bị in lậu hiện đang bày bán tràn lan trên thị trường.

"Harry Potter" phần 7 dịch ra tiếng Việt được dự đoán sẽ là "đối tượng ưu đãi" của giới in lậu

Đó là những cuốn sách không có dán tem chống giả, nội dung được can lại từ sách thật bằng một phần mềm chuyên dụng. Với cách làm này, bản in lậu đỡ bị nhòe hơn, giống sách thật hơn và nhanh hơn, nhưng mặt khác, lại mắc phải rất nhiều lỗi chính tả do khả năng nhận diện font tiếng Việt của phần mềm này có nhiều hạn chế.

Điều đó cũng có nghĩa là những lỗi như “Tu viện Sion” thành “Tu viện Siễn”, “giám mụ cô”, thiết kế vào năm 149s”... mà độc giả Trần Nhuận Minh chỉ có trong những bản in lậu.

Cuối cùng thì Mật Mã Da Vinci bản hiệu đính cũng đã được “giải oan”. Nhưng còn bao nhiêu người nữa phải chịu cảnh mất tiền thật mà mua phải hàng giả như bạn đọc Trần Nhuận Minh khi mà sách lậu vẫn hoành hành trên thị trường?

Sự tác oai tác quái của giới làm sách lậu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những nhà làm sách chân chính và lòng tin của bạn đọc với sách. Hiện nay, khung hình phạt dành cho tội làm sách lậu ở nước ta là quá nhẹ, không đủ để răn đe những kẻ in lậu.

Người yêu sách, ai chẳng muốn mua được một cuốn sách “đảm bảo chất lượng” cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng với “công nghệ in lậu” ngày một tinh vi như hiện nay, nếu chỉ xem qua thì khó mà phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Cứ như vậy, sách lậu vẫn tiếp tục thả sức mà làm khổ sách thật, để rồi chính độc giả lại là những người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Theo Thế giới Phụ nữ