Sách - hôm nay và ngày mai

(ANTĐ) - Có lần nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra một câu hỏi, đại ý là: Thời buổi bây giờ, người ta chọn tủ sách hay tủ rượu? Rồi ông lại tự đi tìm câu trả lời.

Sách - hôm nay và ngày mai

(ANTĐ) - Có lần nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra một câu hỏi, đại ý là: Thời buổi bây giờ, người ta chọn tủ sách hay tủ rượu? Rồi ông lại tự đi tìm câu trả lời.

Câu trả lời có vẻ buồn bã, nhưng đúng: Tủ rượu. Vâng. Xã hội ngày một hiện đại, những ngôi nhà mới được khánh thành ở khắp nơi trong thành phố này, và gia chủ sẵn sàng bỏ công bỏ của hàng trăm triệu lên Đồng Kỵ thửa ngay một chiếc tủ rượu. Rồi lại tốn vài trăm triệu nữa, mua những chai rượu thật to, đẹp, nổi tiếng toàn cầu về “nhốt” trong tủ, bày giữa nhà, như một thú “chơi” đúng mốt. Bạn tôi ở mạn Diễn, làm trong ngành văn hóa, hôm trước mời xuống khánh thành biệt thự 4 tầng, diện tích sàn hơn 100m2, tôi cứ ngỡ trong biệt thự mênh mông ấy, thế nào cũng có chỗ cho một chiếc giá sách, có thể nhỏ thôi, nên tôi đã cố gắng lùng sục mua cho bằng được gần chục bộ sách quý để mừng “tân gia”. Nhưng đến rồi mới vỡ lẽ, tôi vô tình đã đặt bạn vào một tình huống… khó. Chuyện này quả cũng khiến tôi áy náy, đâm ra suy nghĩ rất nhiều.

Tuần này, cũng như cả nước, Hà Nội tiến hành Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một ngày cho đọc sách, hay nói cách khác, một ngày cho việc “đôn đốc” phục hồi văn hóa đọc, xem ra là một nỗ lực đáng quý, dù thời gian quá ư là ít ỏi. Nếu chỉ cố gắng ở diện phong trào thôi thì xem chừng thói quen đọc sách ở Hà Nội nói riêng khó mà tốt hơn. Điều đó có vẻ là nghịch lý, bởi Hà Nội có cả một "phố sách giảm giá" Đinh Lễ nhộn nhịp người mua từ đầu tuần đến cuối tuần.

Thậm chí, bước ra ngõ là đã gặp sách, sách nằm san sát vỉa hè gió bụi. Sách vỉa hè đôi lúc cũng đông người mua đến nỗi có thể làm tắc đường, cản trở giao thông bất cứ lúc nào. Từ đó, tình trạng sách lậu, sách nối bản cũng khiến nhiều người đau đầu. Song, bên cạnh một bộ phận rất ít những người yêu sách, chăm chăm mua sách thì còn rất nhiều thành phần những người chưa bao giờ ghé mắt đến sách (ngoài sách giáo khoa), thậm chí ghét sách, dị ứng với sách. Hà Nội đã thế, xa trung tâm 20km đã thấy khác, tới 30km thì khác thêm một chút, còn tới 300km thì sách trở thành thứ “hàng hóa” xa xỉ, ít lắm mới thấy lấp ló mấy cuốn xấp ngửa trong góc tối của một gia đình nào đó.

Bỗng dưng thấy nhớ góc bàn chất cao chồng sách úa màu của cha tôi, khi đó chúng tôi còn nhỏ. Hà Nội những năm đầu 1980 đó có được một giá sách trong gia đình thì phải thuộc diện giàu có, hoặc thuộc diện gia đình “dòng dõi trí thức”. Nhà tôi không thuộc diện giàu, cũng không thuộc “dòng dõi”, nhưng cha tôi vẫn tích cóp tiền để mua lại những cuốn sách cũ mà ông thấy thú vị, thấy cần phải đọc. Ông nâng niu những cuốn sách úa màu đó, lấy hồ dán lại những cái bìa đã sờn rách, ép thẳng thắn lại và đọc trong những buổi chiều thư nhàn.

Không những thế, ông quan niệm, sách là tài sản cho con cái, vì thế, trong mỗi quyển, bao giờ ông cũng ghi dòng chữ "Hãy yêu quý sách như chính tâm hồn các con". Được cha tạo cho thói quen, sách đã trở thành bạn thân thiết với chúng tôi suốt thuở ấu thơ. Bao giờ trước khi đi ngủ, mẹ tôi cũng bảo anh cả lấy sách từ trên giá xuống, đọc cho cả nhà nghe một vài chương "Tây Du ký", một vài trang "Thần thoại Hy Lạp"... Trong khi cha mẹ bàn luận về ý nghĩa, văn phong của mỗi tác giả, dịch giả thì lũ trẻ chúng tôi lại khóc hết nước mắt vì "Con chó mực", "Nghèo", "Trẻ con không được ăn thịt chó" của nhà văn Nam Cao hay mơ được làm Tôn Ngộ Không, làm chàng dũng sĩ Héc Quyn khỏe mạnh tài hoa hoặc có một con vật thông minh như "Chú mèo đi hia" ngộ nghĩnh... Tiếc rằng, "gia tài" của cha tôi không giữ được bởi trong một lần mưa bão, nhà tôi bị dột, nước mưa làm nát mủn những trang sách cũ. Mất những quyển sách đó, cuộc sống bộn bề của chúng tôi như mất đi một chút neo giữ, một chút gì đó để nhớ về trong góc nhỏ của tâm hồn.

Hội hè chỉ một ngày, nhưng đọc sách thì là chuyện cần quanh năm, bởi không chỉ “đọc cho ngày mai”, mà còn cho chính hôm nay, để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta đỡ chênh chao bởi những được - mất, hi vọng - thất vọng của đời sống hiện tại. Giá một ngày nào đó, bước ra bến chờ xe bus, nhà ga, ghế đá công viên, Bờ Hồ được thấy hình ảnh thường trực là người dân cắm cúi bên trang sách như ở nước ngoài, thì chắc rằng sự ồn ào náo nhiệt, những thói quen kém văn minh nơi đô thị sẽ dần biến mất, dành chỗ cho một dòng chảy văn hóa lặng lẽ nhưng bền bỉ vô cùng, dẫu Hà Nội bây giờ chẳng còn nhiều người Tràng An nguyên gốc nữa.                

Thư Hoàng