Sách điện tử ở Việt Nam: Bạn đọc chưa mấy mặn mà

ANTĐ - Trong khi thị trường sách điện tử thế giới phát triển nhanh chóng thì ở Việt Nam, người đọc vẫn chưa mấy mặn mà với sách điện tử có bản quyền.  

Không nhiều người sẵn sàng trả tiền để đọc sách điện tử tại Việt Nam

Cuộc chiến với “đồ giả”

Sự bùng nổ Internet cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của các thiết bị điện tử cầm tay như smartphone, máy tính bảng… trong một vài năm trở lại đây đã mang lại cơ hội cho việc phát triển loại hình sách điện tử, còn gọi là e-book. Việc cầm trên tay một cuốn sách thông thường có phần “cồng kềnh” đã được thay bằng cách đọc cơ động hơn với những tính năng ưu việt như khả năng lưu trữ, đánh dấu, điều chỉnh kích cỡ… Có thể xem, đây là xu hướng đọc mới trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và tiếp cận thông tin trên toàn cầu. Tiềm năng phát triển rõ ràng như vậy, nhưng ở Việt Nam hiện nay, số lượng các đơn vị đầu tư cho lĩnh vực này còn khá hạn chế.

Ngoài alezaa.com, được coi là nhà sách điện tử đầu tiên ở Việt Nam chính thức bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012, thì cả nước mới chỉ có một vài hệ thống phân phối sách điện tử có bản quyền như anybook.vn, ybook.vn… Những đơn vị này đã chung tay chiến đấu với cái gọi là “sách điện tử lậu”. Thông qua vô số website chia sẻ ebook trực tuyến, người đọc có thể tiếp cận với những tác phẩm mới nhất mà không phải mất khoản phí nào. Người đọc còn có thể tìm thấy đường link tập hợp đủ mọi đầu sách mình cần, thậm chí với cả những tác phẩm bị cấm xuất bản trên thị trường. Mặc dù ý thức được sản phẩm mình mang về hoàn toàn có thể chỉ là “đồ giả”, người đọc vẫn tỏ ra e ngại bỏ tiền mua sách điện tử, cho dù nó có giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với sách in. Việc có quá nhiều thao tác, những ứng dụng đọc cũng đẩy người đọc ngại đến với những ấn phẩm điện tử. 

Tác giả cũng “ngần ngại”

Để được xuất bản một cuốn sách điện tử hợp pháp đương nhiên phải có sự chấp thuận của tác giả thì trên thực tế, không ít tác giả hay đơn vị giữ bản quyền lại tỏ ra ngần ngại khi đưa sách lên mạng. Trên thực tế, trước đây, đã có không ít tác giả trẻ như Trần Thu Trang, Trang Hạ, Hà Kin… lựa chọn phương thức “phát hành ngược” để đưa tác phẩm của mình đến công chúng. Ở thái cực khác, nhiều người cho rằng chính việc “khai sinh” thêm một phiên bản điện tử sẽ đặt ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với sách in. Bên cạnh đó, không ít người nghi ngờ chất lượng sách điện tử khi cho rằng, sản phẩm đã đưa lên mạng, của  internet là sản phẩm không chính thống. 

Và trong khi độc giả mong muốn tìm đọc những tác phẩm có giá trị thì trên thực tế, các nhà sách điện tử hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đó. Tại một số địa chỉ quen thuộc được nhiều độc giả tin cậy không khó nhận thấy số lượng tiểu thuyết, truyện Trung Quốc tràn ngập với số lượng lớn. Trong khi đó, số đầu sách chuyên ngành như kinh tế, chính trị, y học…, phục vụ cho nghiên cứu, giáo dục lại khá ít ỏi. Điều này cho thấy, các nhà xuất bản điện tử cũng phải cân đối số lượng sách đến độc giả, khi độc giả tìm đến sách không chỉ để giải trí, để thưởng thức mà để tiếp thu kiến thức. Sách điện tử không chỉ là một trào lưu, mà chính là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ thói quen đọc, nhất là đối với đối tượng độc giả trẻ. Tiếc rằng ở Việt Nam, với sự dè dặt của cả những đơn vị xuất bản lẫn cộng đồng, nó vẫn chưa đủ sức để tạo ra đột phá trong sự phát triển của ngành xuất bản.