Rủi ro với kênh tiết kiệm kiểu “đóng họ” ở Zimbabwe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các câu lạc bộ tiết kiệm không chính thức đã trở nên phổ biến ở Zimbabwe trong những năm gần đây, đặc biệt là với phụ nữ và những người không tiếp cận được vốn vay truyền thống. Nhưng không ít người nếm “trái đắng” vì bị lừa đảo, mất tiền.
Phụ nữ Zimbabwe bị cuốn vào các nhóm tiết kiệm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiếp cận vốn đầu tư

Phụ nữ Zimbabwe bị cuốn vào các nhóm tiết kiệm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiếp cận vốn đầu tư

Từ ý tưởng đến hiện thực

Trò “đóng họ” này, được người dân địa phương gọi là “mukando”, thường có khoảng chục thành viên cùng nhau đóng góp tiền, tổng số tiền có thể cho vay để lấy lãi. Khi chu kỳ tiết kiệm kết thúc, các thành viên nhận được khoản đóng góp ban đầu cùng với số tiền lãi chia nhau. LynnenMary Katiyo, 21 tuổi bán quần áo ở trung tâm thành phố Harare cũng kể: “Tiền của chúng tôi không do thủ quỹ giữ. Hàng tháng, mỗi người chúng tôi đưa 100 USD cho một thành viên câu lạc bộ. Chúng tôi có 6 người và thay phiên nhau nhận số tiền một lần”.

Carol Madzimo, một thợ làm tóc 24 tuổi ở Mabvuku đã tham gia một nhóm để có thể tiết kiệm tiền mua hàng tạp hóa Giáng sinh. Nhưng mọi chuyện không diễn ra đúng như kế hoạch. Tháng 12 năm ngoái, thủ quỹ, người nắm giữ 1.200 USD, tức là toàn bộ số tiền mà 20 thành viên đã tiết kiệm trong 6 tháng, đã biến mất vào ngày họ được cho là sẽ chia số tiền thu được. Cuối cùng đến tháng 1-2024, anh ta trả lại cho mỗi thành viên số tiền họ đã nộp, nhưng không đưa cho họ bất kỳ khoản lợi nhuận nào.

Tanaka Mutyori, người tham gia một câu lạc bộ tiết kiệm khác, lại không may mắn như vậy. Năm 2023, Mutyori, 26 tuổi, từng bán đồ uống và đồ giải khát trong một trung tâm thương mại ở Harare và công việc kinh doanh rất tốt. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi Mutyori tham gia câu lạc bộ tiết kiệm vào tháng 4 năm ngoái. Nhóm “hụi” này kéo dài 18 tuần và chia đều số tiền tiết kiệm cũng như tiền lãi cho 5 thành viên. Mutyori cho biết thêm: “Trước khi gia nhập câu lạc bộ, tôi đã chứng kiến một số thành viên mua ô tô bằng tiền họ nhận được từ câu lạc bộ, vì vậy tôi thực sự nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay”.

Tuy nhiên, sau khi Mutyori gia nhập, đến lúc phải chia tiền, trưởng nhóm liên tục khất lần. Không lâu sau, nhóm nhận ra anh ta không cầm tiền. Bị câu lạc bộ chất vấn, người đàn ông nói đã cho người khác mượn toàn bộ số tiền nhưng không trả lại. Đó là hồi giữa năm ngoái và đến nay Mutyori vẫn không tài nào nhận được 950 USD tiền đã đóng góp. Mutyori cho biết, cô định sử dụng số tiền đáng lẽ phải nhận được vào tháng 8 năm ngoái để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhưng khi tiền bị kẹt, mọi thứ bắt đầu xuống dốc. Một trong những chiếc tủ lạnh lớn của cô đã bị ban quản lý tòa nhà tịch thu do cô không trả được tiền thuê nhà. Công việc kinh doanh thua lỗ, Mutyori giờ đi làm thuê, lại tiết kiệm tiền để quay lại làm doanh nhân.

Rủi ro về mặt pháp lý

Nhà kinh tế Prosper Chitambara cho hay, phụ nữ và những người làm việc trong khu vực phi chính thức ở Zimbabwe là đối tượng tham gia vào các câu lạc bộ tiết kiệm nhiều nhất. Một trong những động lực chính để họ tham gia là khả năng tiếp cận vốn đầu tư. “Những nhóm này đang tạo điều kiện cho mọi người huy động tiền tiết kiệm để cho nhau vay, vì mục đích đầu tư, kinh doanh hoặc mở rộng kinh doanh, hoặc để tiêu dùng”. Thậm chí ở Zimbabwe, công dụng lớn của nó là tránh để hàng xóm, gia đình và bạn bè vay tiền. Nhà kinh tế Chitambara cho biết thêm, một trong những lý do khiến các câu lạc bộ tiết kiệm nở rộ là vì người dân thường không tin tưởng vào khu vực ngân hàng chính thức của Zimbabwe.

Không giống như các ngân hàng chính thức, các câu lạc bộ tiết kiệm cung cấp các khoản vay cho các thành viên mà không cần thế chấp tài sản, điều này khiến nhiều người ưa chuộng hơn. Trong khi nhiều người tham gia nhận thấy đây là một nguồn hỗ trợ thiết yếu, nhưng thực chất, hoạt động này chưa được cấp phép, phụ thuộc vào thiện chí giữa các thành viên khiến nguy cơ rủi ro, lừa đảo là khó tránh khỏi.

Không có câu lạc bộ tiết kiệm nào mà Mutyori và Katiyo tham gia có tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý. Mọi thứ đều được thực hiện qua các thỏa thuận bằng miệng và trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Ông Moses Mavhaire, luật sư có trụ sở tại Harare phân tích, các vụ lừa đảo liên quan đến các câu lạc bộ tiết kiệm mọc lên như nấm nên cơn ác mộng khi cần truy tố là thiếu các tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý. “Chúng tôi luôn khuyên mọi người rằng nên có giấy tờ, phải được ghi thành hợp đồng hoặc thỏa thuận ủy thác với quyền và nghĩa vụ rõ ràng của các bên. Việc thực hiện các giao dịch không có giấy tờ nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi ra tòa thì gần như vô giá trị”.