Rộ lên trào lưu thay tên để... đổi đời

ANTĐ - Ba năm về trước, cha của Yu đã thuyết phục cô đổi tên với hy vọng cuộc sống của con gái sẽ tươi sáng hơn. Ông chọn một cái tên khác  để cô có thể tìm kiếm một người bạn đời, giúp công việc của cô gặp nhiều may mắn hơn trong tương lai. Thế nhưng cho đến nay mỗi khi nhìn vào thẻ căn cước của mình, Yu Do-huyn vẫn không khỏi bối rối, dù ảnh trên tấm thẻ chính là cô nhưng tên gọi thì đã thay đổi. Yu Do-huyn trước kia có tên gọi Young-ah.

Thay đổi danh tính vì… thầy bói

Theo báo Yonhap, chỉ trong vòng một thập kỷ, có hơn 725.000 người Hàn Quốc đổi tên họ bằng hình thức hợp pháp. Phán quyết vào năm 2005 của Tòa án tối cao Hàn Quốc đã mở đường cho người dân có thể dễ dàng thay tên đổi họ. Kể từ đó, hình thức này bắt đầu nở rộ. Đa phần  tìm đến với một phương pháp truyền thống hơn, đó là lời phán của các thầy bói tư vấn dịch vụ đổi tên!

Không còn phải hoạt động lén lút, những chiếc lều được dựng ngay bên ngoài các trường đại học dán đầy những quảng cáo tư vấn dịch vụ đổi tên với sự trợ giúp của các thầy bói. Một đồn mười, mười lại đồn trăm, người dân đổ xô đi đổi tên, họ, khi nghe thông tin có những người sau khi thay đổi danh tính bỗng trở nên giàu có, công việc làm ăn thuận lợi hay kiếm được tấm chồng. Tuy trên thực tế, những điều này chưa hề được kiểm chứng. 

Tae Eul, một pháp sư trẻ, cho biết, 2/3 khách hàng của anh là những phụ nữ chưa lập gia đình hoặc từng ly hôn. Nhu cầu lớn nhất của họ là có được một người chàng trai hoàn hảo. Ngược lại, đàn ông, theo lời Tea Eul, lại chỉ quan tâm tới cách để làm cho chiếc ví của họ dày lên. 

"Bạn phải rất cẩn thận trong việc đổi tên, bởi nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ số phận của bạn sau này", Tea Eul, người hành nghề "liên lạc" với các thần linh thông qua một đền thờ được đặt ngay trong căn hộ của anh ở Nonhyun-dong, phía nam thành phố Seoul, nói. Theo Tea Eul, "số phận một người phụ thuộc vào sự may mắn và ngày sinh của họ". Anh cho biết, mỗi ngày trong năm đều bao gồm 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Theo đó, điềm gở sẽ đến nếu ngày sinh và tên của ai đó không hợp nhau. Điều này không chỉ giảm cơ may tìm được một nửa phù hợp mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của đôi vợ chồng sau đám cưới. "Nếu cả hai vợ chồng đều có những cái tên mang mệnh hỏa, họ sẽ thường xuyên cãi vã". Trong trường hợp này, Tea Eul khuyến khích người chồng nên đổi tên. "Tôi đã thấy rất nhiều sự thay đổi tích cực sau đó", anh nói. Một số cô gái trẻ cũng khẳng định họ gặp nhiều điềm lành hơn sau khi nhận được cái tên mới.

Trong bối cảnh hiện tại của Hàn Quốc, một số người bắt đầu cho rằng cái tên chính là rào cản ngăn họ đến với thành công. "Tôi nghĩ người Hàn Quốc, khi cảm thấy cuộc sống hiện tại quá áp lực và bận rộn, sẽ có mong muốn được trở thành một người khác thông qua một cái tên mới. Với nhiều người, điều này rất hấp dẫn", Jasper Kim, người sáng lập Nhóm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, nói trong văn phòng của ông tại Đại học Nữ giới Ewha.

"Người Hàn Quốc có xu hướng tìm đến một cuộc sống mới và khởi đầu lại. Họ cho rằng tình trạng hiện tại của họ quá tệ", thầy bói Tea Eul nói. Có một thực tế là phụ nữ Hàn Quốc ngày càng học cao nhưng cũng ngày càng muộn chồng nếu không muốn nói là dễ ế chồng nếu học cao. Phụ nữ Hàn Quốc hiện nay theo đuổi việc học hành nhiều hơn và số người có bằng thạc sĩ cao gấp 5 lần so với năm 1995. Họ cũng trở nên kén chọn hơn và ít đảm nhận vị trí "hàng dưới" nhu mì hiền thục như mong đợi về một người phụ nữ Hàn Quốc truyền thống.

Kim, một người làm việc trong ngành xuất bản và đề nghị không nêu đủ tên, từng đã dành 4 năm học đại học ở Mỹ, cho biết: "Tôi đã có gần 200 cuộc hẹn với những người đàn ông Hàn Quốc do cha mẹ tôi giới thiệu. Phần lớn họ đều tới từ giới thượng lưu, có học vấn cao như bác sĩ, công tố viên, luật sư, thuộc về các gia đình danh giá. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn sống cùng với họ, bởi các cuộc hôn nhân do họ vẽ ra khiến tôi ngộp thở". Mặc dù xã hội Hàn Quốc đã trải qua những thay đổi chóng mặt và nền kinh tế biến đổi nhanh cùng quá trình hiện đại hóa, mô hình hôn nhân vẫn chẳng thay đổi mấy. "Các cô bạn đã có chồng của tôi đang phải vật lộn với gánh nặng khổng lồ của việc vừa phải lao động kiếm tiền, vừa phải làm hàng núi việc nhà" - Kim tâm sự - "Dù những người chồng hiện đại cũng đã cố giúp vợ nhưng trách nhiệm chăm sóc con cái, nấu nướng cho các nghi lễ truyền thống và những cuộc tụ họp gia đình vẫn thường giao cho con dâu. Tôi không muốn đẩy mình vào các rắc rối ấy". 

Bởi vậy, càng thành đạt càng khó có hạnh phúc riêng tư, đây là một phần trong các vấn đề mà các cô gái ở xứ sở kim chi đang phải đối mặt. Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ nước này đã tăng 4,1 tuổi trong 20 năm qua, lên 28,9. Điều này khiến các bà mẹ vô cùng lo lắng cho tương lai của con gái họ. 

Trào lưu thay danh tính đang làm các nhà chức trách Hàn Quốc đau đầu. Trào lưu này chỉ đứng sau cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ lan tràn trong giới thanh niên, gây nên hiện tượng muốn chối bỏ bản thân để tìm đến những gì họ tin là tốt đẹp hơn. Nhiều người cho rằng cơn sốt Hallyu, hay còn gọi là "Làn sóng Hàn Quốc", chính là thủ phạm gây ra nỗi ám ảnh về vẻ bề ngoài của người Hàn. 

Phẫu thuật thẩm mỹ để giống... thần tượng

Đầu những năm 1990, Hàn Quốc chuyển đổi từ chế độ quân sự độc tài sang dân chủ và những thay đổi trong văn hóa Hàn đã mang lại sự tự do trong xã hội. Sự thay đổi đó cũng tạo ra một màu sắc mới trong các băng đĩa video âm nhạc. Những bản nhạc mang âm hưởng truyền thống cũ hay các bản ballad cổ điển nhanh chóng được thay thế bằng những thể loại âm nhạc mới: pop. Thể loại âm nhạc này cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới cho các ca sĩ: phải xinh đẹp từ đầu đến chân.

Hallyu đạt đỉnh cao vào năm 2009, khi K-pop bắt đầu tạo được ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới. Các nữ ca sĩ thần tượng đã tạo ra một định nghĩa mới về người phụ nữ hoàn hảo. Ngay sau đó, họ trở thành chuẩn mực về sắc đẹp trong xã hội Hàn Quốc. Kinh tế phát triển khiến người Hàn Quốc chi tiêu mạnh tay hơn và sự phát triển của Hallyu đã không chỉ khiến cho đất nước này trở thành một điểm sáng trong bản đồ văn hóa thế giới. Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nước dẫn đầu về thời trang. Người dân Hàn cũng ngày một gắn chặt hơn với những chiếc gương soi. Sự ám ảnh về nhan sắc không chỉ xảy ra đối với phụ nữ. Nhiều đàn ông Hàn cũng thường xuyên quan tâm đến việc chăm sóc cho vẻ ngoài của mình.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc từng ban hành một cuốn sách mang thông điệp cảnh báo giới học sinh trung học về “hội chứng phẫu thuật thẩm mỹ”, chỉ ra những hậu quả đau lòng của phẫu thuật thẩm mỹ như chết, biến dạng khuôn mặt… Tuy nhiên, nỗ lực của Bộ Giáo dục Hàn Quốc xem ra không có hiệu quả. Thống kê năm 2011 của Hàn Quốc cho thấy hơn 50% thanh niên nước này phẫu thuật thẩm mỹ, 92% thanh niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ khi độ tuổi cho phép. 

Theo chuyên gia nghiên cứu Kim, người sáng lập tổ chức Nghiên cứu Âu-Á toàn cầu cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Hàn Quốc biến nước này từ một quốc gia nghèo đói trong quá khứ trở thành một cường quốc hiện tại đã phần nào tác động đến tâm lý của đại đa số người dân. Họ cảm thấy không thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, nhất là giới trẻ, những người đang cố chạy đua theo trào lưu thay đổi bản thân. Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một hiện tượng xã hội và cơn sốt thay đổi tên cũng đang đứng trước một nguy cơ tương tự. 

Những nhà xã hội học của Hàn Quốc lo ngại, nếu giới trẻ tiếp tục thay đổi danh tính, phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi thì chẳng khác nào họ đang tự chối bỏ giá trị bản thân. Cần phải có những lời cảnh tỉnh sâu sắc hơn để họ nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, tránh những sai lầm đáng tiếc. 

Tại Duo, một công ty mai mối trên mạng ở Hàn Quốc có tới 26.000 thành viên. Những người đăng ký tham gia có thể lựa chọn một trong 5 chương trình khác nhau, với mức phí từ 88 triệu won tới 108 triệu won (tương đương với 971 USD).

Hiện, ngành công nghiệp mai mối ngày càng được tín nhiệm và có nguồn thu tăng cao. Theo ước tính của Thời báo Doanh nghiệp châu Á ở Hàn Quốc, hiện nay, ngành này ước tính đã thu được 100 tỷ won (tương đương 88,79 triệu USD) trong khi vào năm 2005, con số này chỉ khoảng 50 tỷ won!