Rét đậm, lưu ý dùng đèn sưởi đúng cách và an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đèn sưởi và quạt sưởi đang là những đồ gia dụng phổ biến trong những ngày giá rét, nhưng không phải ai cũng biết cách dùng đúng và an toàn.

Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp

Vào những ngày nhiệt độ thấp, nhiều người thường bật nhiệt độ rất cao để có cảm giác ấm nóng đối nghịch với thời tiết bên ngoài. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời có thể gây sốc nhiệt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ngoài ra, nhiệt độ quá cao sẽ làm khô da. Do đó, khi sử dụng thiết bị sưởi trong những ngày rét đậm người dùng không nên đặt nhiệt độ quá nóng, nhiệt độ tốt nhất là chỉ chênh lệch so với ngoài trời từ 5-10 độ C. Theo đó thì nhiệt độ tối ưu nhất vào mùa đông dao động xung quanh ngưỡng 22-25 độ C, tránh ảnh hưởng tới việc hô hấp.

Đèn sưởi nhà tắm được xem là vật dụng không thể thiếu trong những ngày đông giá rét

Đèn sưởi nhà tắm được xem là vật dụng không thể thiếu trong những ngày đông giá rét

Tránh để phòng quá kín với nhiệt độ cao

Nhiều người quan niệm rằng giữ cho nhiệt độ phòng càng ấm, càng kín trong mùa đông là càng tốt. Tuy nhiên, căn phòng thường xuyên đóng cửa kín mít sẽ khiến không khí trong phòng khô nóng, không có sự lưu thông. Những người trong phòng chỉ hít thở bằng chính không khí nóng đó và khí do hơi thở người tạo ra, dẫn đến hiện tượng ngột ngạt, thiếu khí. Bên cạnh đó, việc bỏ chậu nước vào trong phòng có bật điều hòa, máy sưởi sẽ giúp duy trì độ ẩm trong phòng để tạo sự cân bằng trong không khí.

Sử dụng với thời gian hợp lý

Mùa lạnh, nhiều gia đình có xu hướng bật sử dụng máy sưởi, quạt sưởi... trong thời gian kéo dài cả ngày, tuy nhiên việc này cũng khá nguy hiểm bởi các thiết bị điện tử này được cấu tạo bằng các dây đốt nóng, nếu cắm điện quá lâu sẽ dễ gây cháy, chập điện.

Để sử dụng một cách an toàn, hợp lý chỉ bật máy sưởi khi nào cần thiết phải sưởi ấm, khi nhiệt độ trong phòng đã đủ ấm thì nên ngưng sử dụng. Khoảng thời gian bật thiết bị sưởi hợp lý là 3-4 tiếng/ngày. Đối với đèn sưởi trong nhà tắm, nên bật đèn sưởi 10 phút trước khi vào nhà tắm và chỉ nên bật 20-30 phút rồi tắt. Sau khi tắt các thiết bị, người dùng nên mở cửa để không khí khô nóng cũ được thay thế bằng không khí mới. Việc làm này sẽ tránh gây ảnh hưởng về đường hô hấp do sử dụng máy sưởi trong thời gian dài.

Không để thiết bị sưởi quá gần nơi ngủ

Một số người để máy sưởi sát giường ngủ để tạo cảm giác ấm hơn, tuy nhiên điều này rất nguy hiểm bởi một số loại máy sưởi dùng đèn halogen có thể dẫn đến cháy, nguy hiểm tính mạng. Người dùng không được để quạt sưởi ở gần giường, chăn màn.

Nên đặc biệt lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ bởi trẻ rất dễ bị bỏng nếu ở gần, chạm vào quạt sưởi. Muốn sử dụng máy sưởi vừa đạt mục đích sưởi ấm vừa đảm bảo sức khỏe vừa tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần phải lưu ý: Không bật máy sưởi liên tục trong nhiều giờ, phun ẩm trong khi bật máy sưởi, không để máy sưởi gần giường ngủ, chăn đệm, phòng bật máy sưởi không nên có nhiều đồ bằng kim loại...

Lắp đặt đúng cách

Cần tránh lắp đặt đèn sưởi nhà tắm quá cao hoặc quá thấp. Tiêu chuẩn chung là từ 1m8 đến 2m. Đây là khoảng cách an toàn nhất giúp đèn sưởi nhà tắm phát huy tối đa công suất cũng như tránh được nước bắn vào. Khi lắp nên kiểm tra dây điện nếu dây không đủ công suất thì nên tạo hoăc tìm nguồn đủ.

Mặt khác, nhà tắm là nơi có môi trường ẩm ướt không khô thoáng. Nếu gia đình lắp đèn sưởi trong nhà tắm (loại treo tường) thì phải tuyệt đối an toàn, không để hở dây điện đề phòng điện giật gây nguy hiểm. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, đèn sưởi nhà tắm nên dùng loại treo tường để tránh tầm với của trẻ nhỏ.

Tránh để đèn sưởi tiếp xúc với nước

Chuyên gia kỹ thuật cũng đưa ra lời khuyên nên hạn chế để đèn tiếp xúc với nước trong thời gian dài do nước có thể thẩm thấu vào đường dây dẫn gây ra chập điện. Việc hạn chế đèn sưởi nhà tắm tiếp xúc với nước nhằm nâng cao tuổi thọ của đèn sưởi nên cao, giúp giảm chi phí thay mới, giảm chi phí điện năng khi đèn đã sử dụng quá lâu và hỏng hóc nhiều lần.

Vệ sinh và kiểm tra định kỳ

Muốn đảm bảo an toàn đèn sưởi nhà tắm bạn cần thường xuyên kiểm tra xem có bị hỏng hóc hay không, vệ sinh định kỳ hàng năm đóng vai trò rất quan trọng. Định kỳ kiểm tra lại dây điện của đèn sưởi xem có bị hở, bị đứt hay không, nếu có thì nên gọi người sửa lại hay thay dây mới. Vệ sinh đèn sưởi tối thiểu 2 lần/năm vào thời điểm trước mùa lạnh lúc bắt đầu dùng đèn và sau mùa lạnh khi không dùng nữa để làm sạch bụi bẩn bám trên bóng đèn, giúp kéo dài tuổi thọ của bóng đèn sưởi.