Rất đồng tình và sẽ cụ thể hóa trách nhiệm công dân tham gia giữ gìn trật tự giao thông ở Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngay sau khi CATP Hà Nội tổ chức Lễ phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”, phóng viên An ninh Thủ đô đã ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý và lực lượng làm nhiệm vụ. Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình và sẽ cụ thể hóa trách nhiệm công dân tham gia giữ gìn trật tự giao thông ở Thủ đô.

Sẽ tăng sức “nóng” trong tiếp nhận và xử lý phản ánh về vi phạm của các nhà xe

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đến chủ trương của CATP Hà Nội, và thực sự rất phấn khởi. Về tính thời sự, phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông” được phát động đúng thời điểm Bến xe phía Nam nói riêng đang tích cực chuẩn bị triển khai Kế hoạch phục vụ hành khách dịp nghỉ lễ 2-9. Và về lâu dài, tôi tin rằng, Phong trào sẽ từng bước xây dựng, hình thành trong mỗi người dân không chỉ ý thức chấp hành pháp luật, mà còn phê phán hành vi vi phạm về TTATGT.

Hiện nay, Bến xe Giáp Bát cũng đang duy trì số điện thoại đường dây nóng: 0243.8641467, để tiếp nhận, xác minh và xử lý vi phạm của nhà xe, từ thái độ phục vụ, đến việc chấp hành các nguyên tắc vận tải khách. Ban lãnh đạo bến xe tin và hứa sẽ cùng CATP Hà Nội tăng sức “nóng” trong việc tiếp nhận – xác minh – giải quyết nhanh tin báo, phản ánh của công dân. Và tùy theo mức độ vi phạm của nhà xe, chúng tôi sẽ áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất là từ chối phục vụ…

(Ông Trần Mạnh Hà – Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát)

(Ông Trần Mạnh Hà – Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát)

“Củng cố thêm niềm tin của người dân qua công tác xử lý vi phạm”

Đến thời điểm này, cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT số 4 nói riêng đã được chỉ huy Phòng phổ biến, quán triệt, tập huấn để nắm vững quy trình xác minh, xử lý thông tin mà người dân phản ánh, liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khối lượng, thậm chí cả áp lực công việc sẽ nhiều lên, nhưng tâm thế chung của cán bộ, chiến sỹ là sự phấn khởi. Bởi, chủ trương xây dựng, triển khai Phong trào của CATP đã “kéo” được sự vào cuộc của người dân trên “mặt trận” giữ gìn trật tự, an toàn giao thông địa bàn Thủ đô. Phản ánh – Tiếp nhận – Xử lý thông tin, tôi cho rằng những quy trình – công đoạn ấy vận hành trôi chảy sẽ không chỉ giúp kéo giảm vi phạm pháp luật về giao thông, mà còn giúp củng cố thêm niềm tin của người dân đối với lực lượng chức năng. Với trách nhiệm và quyết tâm của mình, cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT số 4 sẽ không phụ niềm tin mà cấp trên giao phó.

(Thiếu tá Trần Ngọc Trung, đứng giữa – Đội trưởng đội CSGT số 4, Phòng CSGT CATP Hà Nội)

(Thiếu tá Trần Ngọc Trung, đứng giữa – Đội trưởng đội CSGT số 4, Phòng CSGT CATP Hà Nội)

Cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin

Cá nhân tôi rất ủng hộ về việc Công an TP Hà Nội đã cầu thị, đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang zalo và đường dây nóng của Phòng Cảnh sát giao thông.

Thời gian qua, mạng xã hội như Zalo, Facebook và Đường dây nóng đã trở thành kênh tiếp nhận thông tin hữu ích, giúp cơ quan chức năng nói chung và cơ quan công an nói riêng kịp thời nắm bắt tình hình, nhanh chóng triển khai các biện pháp giải quyết, xử lý các vụ việc. Ngoài ra, qua mạng xã hội, đường dây nóng, tổ chức, cá nhân có thể nhanh chóng gửi những phản ánh, kiến nghị của mình mà không phải mất thời gian đi lại…Có thể nói, đây là một kênh thông tin hữu ích, nhất là đối với những người ở xa trung tâm, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, qua trang zalo và đường dây nóng của Phòng Cảnh sát giao thông, người dân còn có thể phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc cán bộ công an trong khi thực thi nhiệm vụ có hành vi chậm trễ, gây phiền hà, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện, tự ý yêu cầu, bổ sung các loại giấy tờ ngoài quy định… Những ý kiến phản ánh này sẽ giúp cho quá trình chỉ đạo, điều hành trong công tác lực lượng CSGT nói riêng và CATP Hà Nội nói chung ngày càng hiệu quả.

Tuy vậy, thông tin phản ánh của công dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin mà mình cung cấp, tránh việc lợi dụng Zalo, số điện thoại “đường dây nóng” để gọi điện, nhắn tin sai sự thật nhằm vu khống người khác hoặc gây rối, phá hoại, gây mất thời gian của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Phòng CSGT có nghĩa vụ tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh kịp thời, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định pháp luật và có trách nhiệm bảo mật danh tính của người cung cấp thông tin.

Để thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo và “đường dây nóng”, Phòng Cảnh sát giao thông cần bố trí cán bộ thường xuyên trực mạng, điện thoại, ghi nhận thông tin và đề xuất phương án giải quyết kịp thời. Từ đó giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, bất cập, bức xúc của người dân về các hành vi vi phạm trật tự giao thông, đồng thời nâng cao sự tin tưởng, hài lòng của người dân vào lực lượng công an. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong giải quyết các vi phạm về an toàn giao thông.

(Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội)

(Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội)

Rất cần mở rộng vấn đề, cách thức tiếp nhận thông tin người dân phản ánh

Có một thực tế là hiện nay, không riêng ở Hà Nội, trên các tuyến đường phố không chỉ xảy ra các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông thông thường, mà còn xuất hiện các loại tội phạm, vi phạm về hình sự, ma túy, môi trường…

Cá nhân tôi rất quan tâm và ủng hộ việc CATP Hà Nội phát động Phong trào. Và, tôi chỉ suy nghĩ, mong muốn, là rất cần mở rộng những vấn đề mà người dân phản ánh, không chỉ dừng ở lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, cách thức tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng cũng cần được mở rộng, như tăng số điện thoại đường dây nóng, hoặc các quận, huyện cũng nghiên cứu để triển khai kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của người dân. Một vấn đề tôi cho rằng cũng rất quan trọng, đó là trách nhiệm đặt ra đối với người cung cấp thông tin và lực lượng xử lý thông tin. Cung cấp phải khách quan, chính xác, xây dựng; còn xử lý thông tin phải đáp ứng các tiêu chí nhanh – công khai – nghiêm khắc…

Bà Nguyễn Thị Nhuần, Khu tập thể Cơ khí nông nghiệp I, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Nhuần, Khu tập thể Cơ khí nông nghiệp I, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội

“Khi người dân cùng tham gia tố giác, vi phạm giao thông sẽ được ngăn chặn kịp thời”

Theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết CATP Hà Nội đang triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”. Cá nhân tôi nhận thấy đây là việc làm thiết thực, hiệu quả, hưởng ứng tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được phát động nhiều năm qua.

Hà Nội là một thành phố lớn, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Cùng với đó, số lượng dân cư đông đúc khiến lượng người, phương tiện lưu thông lớn; kéo theo đó là những hệ lụy như ùn tắc, tai nạn giao thông, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.

Trong nhiều năm qua, thực hiện đồng bộ các biện pháp, tình trạng giao thông ở Thủ đô đã được cải thiện nhưng vẫn còn đó những vi phạm trật tự an toàn giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu những người vi phạm quy định về điều khiển giao thông trên đường bị tố giác kịp thời với lực lượng công an thì hành vi vi phạm ấy có thể được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trên thực tế hiện nay, thông qua Fanpage Công an thành phố, nhiều vi phạm của người điều khiển phương tiện như đi vào đường cấm đã được phản ánh và đều được cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Do đó việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông” sẽ góp phần mở rộng kênh thông, mở rộng phạm vi tố giác đặc biệt là những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Qua đó, góp phần giúp đỡ lực lượng công an có một kênh thông tin nhanh, tiếp cận chính xác, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

Anh Trần Lê Hoàng, trú ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Anh Trần Lê Hoàng, trú ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội