Rầm rập san lấp đất nông nghiệp tại Thanh Trì: Khó khắc phục nên xin tồn tại?

ANTD.VN - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong yêu cầu phải khắc phục nguyên hiện trạng việc san lấp đất nông nghiệp dọc đường Đại Thanh thuộc địa phận 3 xã Tả Thanh Oai, Đại Áng và Vĩnh Quỳnh. Tuy vậy, cấp xã lại cho rằng, việc khắc phục theo chỉ đạo của huyện là khó và sẽ xin tồn tại.

Trồng cây kiểu "nguỵ trang" để khoả lấp vi phạm

Ngày 25/10, An ninh Thủ đô đã có bài viết “Thanh Trì: Xe tải chở bùn, đất rầm rập đi san lấp đất nông nghiệp trong đêm” phản ánh về thực trạng, nhiều đêm, hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở bùn đất, phế thải xây dựng về san lấp đất nông nghiệp trên quy mô lớn dọc 2 bên đường Đại Thanh thuộc các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai và Vĩnh Quỳnh của huyện Thanh Trì.

Đáng nói, các khu đất nông nghiệp được san lấp sau đó sẽ nhanh chóng mọc lên các nhà kho, nhà xưởng trái phép nhưng lại không hề bị xử lý theo quy định.

Ngay sau đó, ngày 28/10, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức họp về tình trạng san lấp, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Đại Thanh thuộc địa bàn 3 xã trên dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Phong.

Để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, UBND huyện yêu cầu UBND các xã Tả Thanh Oai, Đại Áng và Vĩnh Quỳnh thống nhất phương án thông báo tạm dừng hợp đồng hoạt động của các chủ đầu tư để khắc phục hậu quả, trả lại hiện trường ban đầu; yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ hàng rào tôn dựng lên chưa đúng quy định, xong trước ngày 10/11.

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc UBND các xã kiểm tra, rà soát, giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại các khu đất nêu trên, không để phát sinh, tái diễn các trường hợp tương tự…

Trồng cây kiểu "đối phó", đặt trên đống sỏi đá, phế thải xây dựng

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, đến nay, các khu vực san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn các xã mới chỉ thực hiện tháo dỡ một phần hàng rào tôn dựng lên, còn hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị dùng phế thải san lấp, hủy hoại vẫn tồn tại như thách thức dư luận và sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.

Đáng nói, theo ghi nhận, sáng 7/11, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì đã phối hợp với UBND xã Đại Áng kiểm tra việc khắc phục của các chủ thuê đất vi phạm dọc 2 bên đường Đại Thanh nhưng nơi thì khóa cửa chặt chẽ, nơi thì đặt cây xanh lên mặt đất để "đối phó" không khác gì kiểu “trồng cây trên sân bê tông”. Tới sáng 12/11, tình trạng vi phạm vẫn không thay đổi, cây xanh được trồng trên nền cát sỏi, phế thải xây dựng đang héo vàng.

Sáng 12/11, cây được trồng kiểu mới trên đất nông nghiệp ở Đại Áng đã bắt đầu héo vàng

Vi phạm rồi xin tồn tại có tạo tiền lệ xấu?

Tại buổi làm việc với phóng viên An ninh Thủ đô sáng 7/11, ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho hay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép thuộc diện tích đất công do UBND xã quản lý. Diện tích đất này đã tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng thuê khoán vào cuối năm 2023 với mục đích nuôi trồng thủy sản và một phần trồng cây xanh.

Lãnh đạo xã Đại Áng thừa nhận, do việc nuôi trồng thủy sản không hiệu quả nên các chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi, san lấp đất nông nghiệp như hiện tại.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện Thanh Trì, xã đã yêu cầu 4 chủ thầu phải khắc phục, tuy nhiên, việc khắc phục mới chỉ là tháo dỡ hàng rào tôn vi phạm, còn lại hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị san lấp, hủy hoại bằng trạc thải xây dựng, theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng sẽ khó khắc phục nguyên trạng.

“Việc khắc phục triệt để vi phạm là khó. UBND xã sẽ báo cáo huyện cho phép các khu đất này giữ nguyên hiện trạng để trồng cây xanh”- ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.

San lấp, hủy hoại hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp rồi xin tồn tại có tạo tiền lệ xấu ở Thanh Trì?

Cũng theo lãnh đạo xã Đại Áng, nếu các chủ thuê đất này tái phạm, xã sẽ dừng, thu hồi hợp đồng cho thuê đất đã ký kết trước đó. Khi phóng viên đặt vấn đề, việc san lấp trái phép, hủy hoại hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bằng trạc thải xây dựng có là hành vi vi phạm nghiêm trọng, ông Nguyễn Đình Thọ thừa nhận, đây là vi phạm nghiêm trọng. Khó hiểu là dù có đánh giá như vậy nhưng xã Đại Áng tới nay vẫn không hủy hợp đồng thuê thầu đất?

Lãnh đạo xã Đại Áng cũng thừa nhận, để xảy ra việc vi phạm san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trên địa bàn xã chịu trách nhiệm toàn diện, bản thân Chủ tịch xã đã bị UBND huyện phê bình; xã cũng đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với Phó chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực và cán bộ địa chính, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Còn trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh, ông Nguyễn Đình Thuật, Chủ tịch UBND xã cho biết, qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn xã chỉ phát sinh khoảng 400m2 bị san lấp, đây cũng là diện tích đất công do xã quản lý và không có bất kỳ công trình xây dựng kho bãi, nhà xưởng nào trên diện tích đất nông nghiệp này. Khu đất này cũng được UBND huyện Thanh Trì ký hợp đồng cho thuê thầu với một cá nhân để nuôi trồng thủy sản.

“Với phần diện tích đất bị san lấp này, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ thầu sử dụng đúng mục đích là trồng cây xanh, nếu tiếp tục vi phạm sẽ có văn bản gửi UBND huyện đề nghị hủy hợp đồng”- ông Thuật cho hay.

Dư luận không khỏi băn khoăn và đặt vấn đề về năng lực quản lý của chính quyền các xã khi hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị rầm rộ san lấp nhưng lại không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Và rồi trong quá trình xử lý, xã lại than “khó khắc phục triệt để”, xin tồn tại”? TP Hà Nội đang tập trung nguồn lực đưa Thanh Trì lên quận trong thời gian sớm nhất, nhưng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, vi phạm tràn lan như thế này, người dân không khỏi băn khoăn về năng lực quản lý của chính quyền cơ sở ở đây.