Rắc rối từ việc thu hồi đất không triệt để

ANTĐ - Xác định là nhà xây trên diện tích đất công, nhưng sau nhiều lần cưỡng chế, UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn để một công trình không phép tồn tại ngay đầu ngõ 138 đường Tân Triều. Trong khi đó nhiều hộ gia đình tại đây hết sức bức xúc vì cho rằng công trình này gây cản trở giao thông.

Đây là căn nhà của ông Nguyễn Duy Cảnh, một hộ dân của xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều. Căn nhà này hình tam giác có diện tích chưa tới 10m2 nằm ngay đầu ngã ba của ngõ 138 và đường Tân Triều mới mở. Trong lá đơn gửi tới Báo An ninh Thủ đô, các hộ dân tại đây cho biết: Căn nhà này được chủ nhân xây dựng trên diện tích đất lấn chiếm và đã được các cơ quan chức năng của huyện Thanh Trì, xã Tân Triều ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng chỉ được một thời gian, chủ nhân lại tiếp tục xây dựng và đã bị chính quyền cưỡng chế lần 2. Những tưởng như vậy là dứt điểm, ai dè chỉ một thời gian ngắn sau đó người ta lại thấy công trình tiếp tục mọc lên lần 3, nhưng với dáng vẻ kiên cố hơn do được đổ cột bằng bê tông cốt thép. Thậm chí tại lần xây dựng này, gia chủ còn có ý định tiếp tục xây lên 2 tầng. Bằng chứng là các cột trụ vẫn để cốt thép chờ sẵn và lợp phủ mái tôn lên trên để che mắt.

8 tháng kể từ khi ông Cảnh xây nhà kiên cố, mặc dù người dân nơi đây đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa hề thấy chính quyền có động tĩnh gì trong việc xử lý vi phạm. Trong khi đó căn nhà hình tam giác án ngữ ngay tại đầu con ngõ này là nguyên nhân gây nên khá nhiều vụ tai nạn giao thông do người qua lại bị khuất tầm nhìn. 

Bà Cao Thị Phúc, một hộ dân của thôn cho biết: “Khá nhiều trường hợp xe máy của người dân từ trong ngõ đi ra hoặc khách từ ngoài đường đi vào đã va chạm nhau. Điều đáng lo là có nhiều phụ nữ và trẻ em cũng là nạn nhân. Nếu việc này không được giải quyết sớm, hậu quả sẽ rất khó lường. Nếu nói chính quyền không biết thì không đúng bởi trụ sở UBND xã chỉ cách nơi này chưa đầy 300m”.

Bà Nguyễn Thị Phương (vợ ông Nguyễn Duy Cảnh) cho rằng việc bà con phản ánh gia đình bà xây nhà lấn chiếm là không đúng bởi đây là đất của gia đình đã làm nhà từ xưa. Sau khi bị nhà nước thu hồi hơn một nửa thì phần còn lại gia đình chỉ xây dựng lại để làm quán bán hàng. “Tôi chỉ mong nhà nước thu hồi nốt phần còn lại và có phương án bồi thường cho chúng tôi thỏa đáng chứ với diện tích nhỏ như thế này chúng tôi cũng chỉ xây để giữ đất là chính” - bà Phương nói.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Hoàng Trọng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Căn nhà của ông Cảnh, bà Phương ban đầu có diện tích 22m2 có nguồn gốc là đất công. Năm 2011 khi mở đường Tân Triều, nhà nước có quyết định thu hồi với diện tích là 14m2 và đã có phương án hỗ trợ phần thu hồi. Diện tích còn lại là 7,9m2. Năm 2012, ông Cảnh có tiến hành xây dựng trên diện tích còn lại nhưng trong quá trình xây dựng gia đình đã lấn chiếm ra phía đường đi chung, vì thế UBND xã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó 3-4 tháng, gia đình ông Cảnh lại tiếp tục xây dựng lấn chiếm, nên xã buộc phải ra quyết định cưỡng chế lần thứ 2. Lần thứ 3 thì UBND xã xác định ông Cảnh không lấn chiếm nữa nên chưa xử lý”.

Khi được hỏi về việc công trình xây dựng có được cấp phép hay không thì ông Đức cho biết, việc xây dựng của ông Cảnh là không phép. Tuy nhiên UBND xã cho rằng gia đình ông Cảnh chỉ là “xây quán” chứ không “xây nhà”, mặt khác phần diện tích đất 7,9m còn lại vẫn là của ông Cảnh nên rất khó xử lý. “Giá như lúc giải phóng mặt bằng, nhà nước thu hồi luôn toàn bộ diện tích của ông Cảnh thì không đến nỗi như ngày hôm nay. Dù chỉ còn lại chưa đầy 8m2, nhưng cũng không thể buộc người dân phải từ bỏ tài sản của họ. Trong khi đó diện tích này lại không đủ điều kiện để xây nhà, vậy cho nên làm sao để hài hòa lợi ích giữa mỹ quan chung và quyền lợi riêng là rất khó” - ông Phó Chủ tịch xã nói.