Do Thượng toạ, Tiến sĩ Thích Đức Thiện và Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình chủ biên, cuốn sách đã dựng lên bức tranh toàn cảnh về bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời Lý, trong đó tinh thần đạo Phật không tách khỏi tinh thần dân tộc, văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc; đồng thời cho thấy di sản vật chất, tinh thần mà Phật giáo nhà Lý để lại cũng chính là tài sản quý giá, tài nguyên vô giá để Phật giáo hôm nay có thêm nhiều đóng góp cho sự phát triển của đạo và đời.
Thượng toạ, Tiến sĩ Thích Đức Thiện và Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình chủ biên, cuốn sách đã dựng lên bức tranh toàn cảnh về bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời Lý, trong đó tinh thần đạo Phật không tách khỏi tinh thần dân tộc |
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo đã hội nhập và đồng hành như một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội đất nước.
Đặc biệt, Phật giáo phát triển hưng thịnh và trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị nước ta dưới triều đại nhà Lý. Trải qua chín đời vua với hơn 200 năm trị vì (1009 - 1225), cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, đạo Phật được các vua Lý tôn sùng và có những chính sách ưu ái, tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ. Do vậy, Phật giáo trở thành tư tưởng chính thống quốc gia, chi phối mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có chính trị.
Triều Lý đã phát huy yếu tố tích cực, tiến bộ của đạo Phật để phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chăm lo cuộc sống của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn minh Đại Việt thịnh trị trong hơn hai thế kỷ.
Đến nhà Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển rực rỡ và là một trong những giai đoạn Phật giáo hòa nhập sâu rộng vào lòng dân tộc. Điểm nổi bật của Phật giáo thời kỳ này là tính tích cực nhập thế: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, không tách rời sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhờ kết hợp hài hòa giữa tính nhập thế và xuất thế, Phật giáo thời Trần đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, có ảnh hưởng và tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong lịch sử nhà Trần.
Sang thời Lê sơ thế kỷ XV - XVI, Nho giáo được chính quyền chọn làm hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Việc chú trọng khoa cử Nho giáo cùng với việc ban hành các quy định về lễ giáo của nhà nước đã khiến cho Nho giáo chiếm ưu thế hơn so với Phật giáo.
Đến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Phật giáo có sự khởi sắc trở lại khi các chúa Trịnh, Nguyễn đều tạo điều kiện cho việc tôn tạo, sửa chữa chùa chiền song không còn thịnh vượng như trước. Bước sang thế kỷ XX, Phật giáo tiếp tục nêu cao ngọn cờ yêu nước, kề vai sát cánh cùng toàn thể nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng; nhiều tăng ni, phật tử đã hăng hái tòng quân lên đường đánh giặc, cứu nước, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ngày nay, Phật giáo vẫn giữ nguyên vai trò, vị thế của mình trong đời sống dân tộc, một lòng phụng sự dân tộc, phụng sự chúng sinh theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Vì vậy, việc làm rõ những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo, làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay. một mặt khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, những cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.