Quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm ra sao, sau khi áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản với ông Trịnh Văn Quyết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân liên quan bị khởi tố, Bộ Công an vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng biến động với bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu... của những người này.

Vậy, khi nào cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản? Thời hạn tạm dừng biến động là bao lâu? Quyền lợi của nhà đầu tư tham gia mua, bán, góp vốn, chuyển nhượng bất động sản, cổ phiếu của FLC sẽ được giải quyết ra sao?

Tạm dừng biến động được hiểu là tạm ngưng các giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp tài sản, bất động sản. Đây là một biện pháp tư pháp được áp dụng để phong tỏa, kê biên, ngăn chặn các hành vi trốn tránh nghĩa vụ bồi thường, tẩu tán tài sản, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự.

Trong các vụ án hình sự, thời hạn tạm dừng biến động tài sản được áp dụng cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết xong vụ án, hoặc giải quyết xong các yêu cầu của đương sự, hoặc khi thấy các quyết định tạm dừng là không có căn cứ, không còn cần thiết.

Theo Điều 114 Bộ luật TTDS, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự gồm: Kê biên tài sản đang tranh chấp; Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu…

Cá nhân, tổ chức chỉ bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản khi họ đang là người bị bắt, là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự; là đương sự như nguyên đơn, bị đơn, người liên quan trong vụ án dân sự - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Khi có đề nghị của cơ quan điều tra, các cơ quan có chức năng (Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán…) thực hiện việc đăng ký giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với các tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu sẽ xem xét việc đóng băng các giao dịch.

Ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Trong vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch FLC, cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị tạm dừng biến động tài sản nhằm tránh tẩu tán, chuyển dịch tài sản vi phạm.

Về việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi bị can Trịnh Văn Quyết và những người liên quan bị tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, thế chấp với bất động sản, cổ phiếu..., Luật sư Thu cho rằng, về nguyên tắc chỉ những tài sản do phạm tội mà có hoặc những tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì mới bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Còn các tài sản hợp pháp khác của bị can và đặc biệt là tài sản của doanh nghiệp không liên quan đến tội phạm thì sẽ không bị áp dụng các biện pháp này.

Với các dự án đang triển khai của doanh nghiệp này và các tài sản của các bị can không liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ không hạn chế việc quản lý sử dụng, định đoạt. Vì vậy, các nhà đầu tư, các đối tác của tập đoàn này vẫn thực hiện các giao dịch bình thường đối với các dự án, các tài sản không liên quan đến tội phạm.

Ngoài ra, khi giải quyết một vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các vi phạm, sai phạm có liên quan của các tổ chức, cá nhân. Nếu có căn cứ cho rằng ngoài tội danh đã bị khởi tố, doanh nghiệp và cá nhân còn có hành vi vi phạm khác có liên quan đến tài sản thì cơ quan điều tra tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và làm rõ hành vi vi phạm để xử lý.