Quy hoạch chậm, lo quá tải hạ tầng khu trung tâm

(ANTĐ) - Ngày 17-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội để kiểm điểm tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng, công tác chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố năm 2009.   

Thủ tướng làm việc với Hà Nội:

Quy hoạch chậm, lo quá tải hạ tầng khu trung tâm

(ANTĐ) - Ngày 17-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội để kiểm điểm tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng, công tác chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố năm 2009.   

Thủ tướng trao đổi bên lề cuộc làm việc
Thủ tướng trao đổi bên lề cuộc làm việc

Xây chen dễ gây lãng phí

Băn khoăn về hệ thống hạ tầng vốn yếu kém lại quá tải của Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói: “Trung tâm thành phố vẫn đang tiếp tục xây dựng thêm nhiều tòa nhà trong khi chủ trương là di dời dần các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Hà Nội hiện nay đã mở rộng, có điều kiện về quỹ đất nên thành phố cần xem xét, giảm tới mức thấp nhất chất tải lên khu trung tâm, tạo thêm xung đột giao thông ở khu vực này”.

Nhất trí với nhận xét này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu quy hoạch chung của Hà Nội không làm nhanh, bất hợp lý sẽ ngày càng lớn. “Quy hoạch hạ tầng rất quan trọng để sắp xếp lại dân cư, cơ quan hành chính. Cứ nói di dời bệnh viện, trường học nhưng mình Hà Nội không thể làm nổi nếu không có sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương. Ngược lại, gần đây, các bệnh viện đều xây dựng thêm trong khuôn viên. Giao thông cũng vậy, đường vành đai 1, 2, 3 đặt ra từ lâu nhưng mãi chưa xong...”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Hà Nội phải suy nghĩ năng động

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, năm 2008, Hà Nội công việc rất bề bộn khi tiến hành mở rộng, cộng thêm khó khăn do lạm phát, thiên tai, dịch bệnh... song vẫn triển khai khá tốt mọi việc. Thủ tướng đồng ý với những tồn tại, yếu kém mà thành phố đã nhìn nhận trên lĩnh vực quản lý đô thị, đất đai, quy hoạch...

Dự báo năm 2009 sẽ có nhiều khó khăn, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là ngăn chặn suy giảm kinh tế với nỗ lực cao nhất. Tiếp đó là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Giải pháp chung, theo người đứng đầu Chính phủ, là tạo mọi điều kiện để duy trì sản xuất song song với kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Trong đó, hạ tầng, đường sá là lĩnh vực cần chú trọng. Quan trọng hơn cả là tổ chức điều hành phải quyết liệt, phù hợp tình hình mới. Thể chế, cơ chế phải mạnh mẽ, đổi mới. “Xây dựng hạ tầng kích cầu mà 2 năm mới xong thủ tục, GPMB lại thêm 3 năm nữa thì kích gì được?” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, với thế mạnh về đất đai, tri thức, Hà Nội phải suy nghĩ năng động, nêu gương cho cả nước trong việc khắc phục khó khăn. Về quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội phải chủ động, tham gia làm rõ hình ảnh Thủ đô trong những năm tới. Liên quan tới các dự án, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu, “phải làm cho được nếu không sẽ có lỗi với nhân dân”.

Thủ tướng nhấn mạnh, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt hơn cũng như có thể đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù và Chính phủ sẵn sàng phê duyệt để tăng tốc các dự án. ủng hộ hàng loạt kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng giao các Bộ, ngành làm việc trực tiếp với thành phố để khẩn trương giải quyết các công việc cụ thể.

Cũng lo lắng cho hệ thống hạ tầng cũ kỹ của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu cứ chất tải mãi lên khu trung tâm, cộng thêm ý thức giao thông kém thì giao thông sẽ mãi là thách thức đối với Thủ đô. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Hà Nội phải siết chặt hơn nữa quản lý đô thị bởi “cứ xây chen, chất tải mãi lên rất bất ổn, nay mai quy hoạch chung hoàn thành có khi lại phải đập bỏ, sẽ lãng phí lớn...”.

Về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, một số vẫn đang vướng GPMB nên phải rất nỗ lực mới hoàn thành được trong 2 năm tới. Ông Hồ Nghĩa Dũng nói: “Dự án đường vành đai 3 phải tới tháng 6-2009 mới thông tới Pháp Vân. Nút giao Thanh Xuân hiện chưa có mặt bằng. Nếu GPMB sớm, chỉ 3-6 tháng là thông tuyến tới Mỹ Đình...”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, kinh phí đã có thì không lý gì cứ ách tắc mãi. “Thành phố phải quyết liệt GPMB để tăng tốc các dự án này” - ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

Quy hoạch Thủ đô sẽ đúng hẹn

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết, lời hứa hoàn thành quy hoạch chung Hà Nội vào năm 2010 sẽ thực hiện được. Ông Trần Ngọc Chính phát biểu: “Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch làm rất thận trọng, tạo điều kiện cho tư vấn nêu ý tưởng tốt nhất và đảm bảo Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế xứng tầm với tất cả tiềm lực sẵn có.

Dự kiến, tháng 8-2010, Thủ tướng sẽ phê duyệt quy hoạch này. Bộ Xây dựng cũng đang gấp rút triển khai việc xây dựng Cung quy hoạch quốc gia để khi quy hoạch được duyệt sẽ trưng bày ngay”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đầu bài quy hoạch phải rất mở để tận dụng kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, thành phố cũng không được phép chờ quy hoạch mà phải hành động ngay.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, các bộ, ngành phải xắn tay áo, chủ động điều chỉnh quy hoạch ngành cho phù hợp với quy hoạch chung Hà Nội mở rộng chứ không thể chờ đợi bởi “quy hoạch luôn động, tư vấn nước ngoài chỉ nêu ý tưởng còn đầu bài phải do các Bộ, ngành đặt ra”.

Liên quan tới các dự án giao thông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Hà Nội xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án liên quan. Việc di dời doanh nghiệp ô nhiễm cũng vậy, thành phố phải đề xuất và các Bộ, ngành tham gia nếu không sẽ ách tắc mãi.

Trước đề nghị của Hà Nội xin tăng thêm biên chế và điều chuyển bớt lãnh đạo Sở, ngành về quận, huyện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, xu hướng tăng thêm Phó Chủ tịch UBND và Phó Bí thư quận, huyện để “giải quyết” dôi dư cán bộ sau hợp nhất là cần thiết. Tuy nhiên, việc thêm chức danh Phó Chủ tịch UBND lại vướng do bị hạn chế bởi số lượng ủy viên UBND.

Ông Trần Văn Tuấn lý giải: “Không thể làm trái quy định của luật nên muốn bổ sung thêm Phó Chủ tịch UBND thì phải điều chỉnh lại số ủy viên UBND. Riêng về tăng tổng biên chế thành phố, HĐND TP quyết được song vẫn phải nằm trong tổng biên chế Chính phủ giao. Theo tôi, tăng là việc dứt khoát phải làm song phải có lộ trình, tăng từ từ, chứ cùng một lúc tăng biên chế ở các huyện mới cho bằng các huyện cũ sẽ khó bảo đảm chất lượng”.

Chính Trung