Quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” chưa hợp lý

ANTD.VN - Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi , Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” chưa phù hợp thực tế…

Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, Khoản 3 Điều 66 Dự thảo quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy vậy, tại một số quận huyện ở Hà Nội đã có có quy hoạch đô thị nên chắc sẽ không phải lập quy hoạch sử dụng đất.

Điều 126 về giao đất cho thuê đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, quy mô 5 ha hay 10 ha chưa phù hợp đặc biệt là đối với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Về các trường hợp phải thu hồi đất, Dự thảo quy định trên 30 trường hợp, chưa chắc đã đầy đủ và có thể sót lọt. Vì vậy, nên quy định tiêu chí, làm rõ nội hàm về phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào, phải nghiên cứu để có hành lang pháp lý cho chuẩn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhận định, quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” là chưa hợp lý, bởi có thể tái định cư bằng nhà hoặc tiền. Có trường hợp xây nhà tái định cư xong, dân đến xem nhưng lại đổi ý lấy tiền dẫn đến tình trạng không ít nhà tái định cư xây xong để không hơn 10 năm rất lãng phí. Do vậy, nên xin ý kiến người dân ngay trong lúc điều tra thực hiện dự án.

Về xây dựng bảng giá đất hàng năm, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, với Hà Nội, TP.HCM điều này khá khó và phức tạp, nên chăng có hệ số K điều chỉnh.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), về việc thu hồi “sổ đỏ’ đã cấp sai, theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, người dân chỉ có quyền khiếu nại tới uỷ ban nhân dân. Điều này là không hợp lý, bởi việc thu hồi “sổ đỏ” là hành vi hành chính, người dân phải được khởi kiện ra toà.

Bên cạnh đó, quy định về việc định giá đất rất quan trọng được nhiều người quan tâm. Dự thảo quy định, có nhiều căn cứ tính giá đất trong đó có giá ghi trên hợp đồng, song trên thực tế một số hợp đồng chuyển nhượng công chứng, chứng thực ghi giá không đúng thực tế để trốn thuế nên nếu chỉ dựa vào hợp đồng là thiếu chính xác, cần xem xét kỹ tất cả các căn cứ để xác định giá đất.

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm đến chính sách đất đai đối với các đơn vị sự nghiệp công. Đại biểu lấy dẫn chứng, một trường đại học nếu muốn mở một khu dịch vụ cho sinh viên, hay căng tin trong nhà trường đều bị vướng vì không có trong quy hoạch. Nếu nhà trường muốn mở dịch vụ thương mại trên phải xây dựng ở một khu vực xa nhà trường, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất với rất nhiều thủ tục phức tạp.

“Vì thế, dự Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị tăng nguồn thu khi tự chủ vừa không phá vỡ quy hoạch, và sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả” - đại biểu cho biết.