Quy định pháp luật về hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Những ngày qua, cơ quan công an liên tục phát hiện, bắt giữ các đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản như điện thoại, dây chuyền, túi xách… của người đi đường. Điều đáng nói là vì lợi nhuận, có không ít cửa hàng đã sẵn sàng mua lại những món hàng này dù biết chúng có được từ những hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trách nhiệm pháp lý của những cá nhân tiêu thụ đồ gian được quy định ra sao? Khi bị phát hiện, những món đồ này có bị tịch thu không? Lê Vân Nam (Hải Phòng)
Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư trả lời: Mới đây, CAQ Hà Đông, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Hoài Nam (SN 2004, ở Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Khi đối tượng này điều khiển xe máy đi đến khu vực ngã tư đường 19/5 giao cắt với Nguyễn Khuyến, phường Văn Quán phát hiện chị P.T.N.H đang dừng xe máy và sử dụng chiếc điện thoại di động iPhone 13 Promax màu vàng nên đã lập tức áp sát, giật chiếc điện thoại rồi bỏ chạy. Sau đó, Nam bán chiếc điện thoại ở khu vực Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với giá 12 triệu đồng. Ít ngày sau, Nam đã bị CAQ Hà Đông bắt giữ.

Trước đó, CAQ Hà Đông cũng đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản trên địa bàn các quận, huyện ở Hà Nội. Đó là Dương Ngọc Toàn (SN 1988, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Anh Tú (SN 1988; ở phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng); Trần Mạnh Cường (SN 1986; ở phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng). Các đối tượng này đã cùng nhau đi lang thang cướp giật dây chuyền của một số người đi đường tại nhiều địa bàn như quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… Với số dây chuyền cướp được, các đối tượng đã đem đến bán tại cửa hàng vàng bạc, chia nhau tiền và ăn tiêu hết.

Qua những vụ việc trên, vấn đề đặt ra là việc tiêu thụ tài sản do trộm cắp, cướp giật mà có hiện khá dễ dàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng có động cơ để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo quy định hiện hành, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các mức khác nhau.

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các mức khác nhau (Minh họa: Internet)

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

ở các mức khác nhau (Minh họa: Internet)

Điều 323, Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 20 đến dưới 100 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Nếu phạm tội mà tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-10 năm. Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm khi tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện qua 2 hành vi, đó là chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Chứa chấp có thể hiểu là hành vi cất giấu tài sản một cách trái pháp luật bất cứ nơi đâu với bất cứ mục đích gì sau khi được người phạm tội chuyển giao tài sản, thể hiện qua việc cất giữ, bảo quản; cất giấu hay cất, giữ, giấu. Hành vi chứa chấp chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi chứa chấp nhận tài sản từ người phạm tội.

Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi trực tiếp giao dịch với người phạm tội hoặc nhận tài sản từ người phạm tội để chuyển giao cho người khác theo ý chí của người phạm tội một cách trái pháp luật; cụ thể là việc nhận, mua để dùng, để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội; chuyển đổi, mua lại hay chuyển giao.

Các hành vi nêu trên phải đáp ứng các điều kiện: Không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của ngưòi đó; Khi nhận tài sản hoặc tiêu thụ tài sản thì mới biết rõ là do người giao tài sản phạm tội mà có được tài sản đó. Căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải “do phạm tội mà có” chứ không phải căn cứ vào giá trị tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ.

Trường hợp người tiêu thụ tài sản và người phạm tội có sự hứa hẹn trước về việc tiêu thụ tài sản phạm tội thì người tiêu thụ là đồng phạm về tội danh tương ứng như Tội cướp giật tài sản, Tội trộm cắp tài sản…. Nếu như người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản không hề biết tài sản mình mua là do trộm cắp mà có thì việc mua bán giữa hai bên chỉ là giao dịch dân sự thông thường, hành vi của người mua không phải là hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, khi bị phát hiện tài sản thực hiện trong giao dịch là tài sản do trộm cắp, cướp giật mà có thì giao dịch dân sự này là vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả lại nhau những gì đã nhận. Khi đó, tiền và vật có giá trị như điện thoại, dây chuyền…bị cướp giật, trộm cắp sẽ được trao trả lại cho người bị mất còn bên mua sẽ nhận lại tiền đã giao.

Huệ Linh (Thực hiện)