Quốc hội họp báo thông tin kết quả kỳ họp thứ 11, khóa XIII

ANTĐ - 10h sáng nay 12-4, Quốc hội đã tổ chức họp báo, thông tin về kết quả đạt được của kỳ họp lần thứ 11, khóa XIII với sự tham dự của đông đảo truyền thông trong nước và quốc tế.

Trong phần thảo luận tại cuộc họp, nhiều ý kiến đại diện các cơ quan báo chí đã nêu ra những câu hỏi và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã lần lượt giải đáp. 

PV: Vì sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chúng ta đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, thì không thể kiêm Phó Chủ tịch, nên không có việc miễn nhiệm. Tương tự đối với trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như vậy.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

-Trong Lễ tuyên thệ, Quốc hội nên đứng dậy để đảm bảo không khí trang nghiêm, ý kiến của ông thế nào?

-Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước hội nghị Tân Trào, Bác đứng trước lá cờ Tổ quốc làm lễ tuyên thệ, chúng tôi lấy ý tưởng từ việc này. Trên thế giới, trong lễ tuyên thệ có nơi đứng, nơi ngồi, tuỳ theo Nghị viện từng nước chứ không có quy định. 


-Nhân sự sắp tới được kiện toàn như thế nào, thưa ông?

-Tới đây, Quốc hội sẽ kiện toàn lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, khoá XIV. Bốn chức danh cao nhất sẽ kiện toàn, sẽ có tuyên thệ. Lời tuyên thệ được ấn định trong Hiến pháp, tuỳ vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút.

-Ông đánh giá thế nào về chất lượng những đại biểu tự ứng cử khóa trước. Cơ cấu đại biểu tự ứng cử khoá XIV sắp tới ra sao?

- Khóa XIII không có cuộc đánh giá nào về đại biểu tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu. Rất đáng tiếc khoá XIII có 2 đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn. Tôi cho rằng đại biểu tự ứng cử hay được đề cử trong Quốc hội không có sự phân biệt, đều rất tích cực phát biểu. Khóa này có nhiều ứng viên tự do. Hà Nội có 48 người sau hiệp thương vòng 2, điều này rất tốt, chứng tỏ người dân thấy vị trí của diễn đàn này. Còn sự tín nhiệm đến đâu là do người dân.

Buổi họp báo có đông đảo đại diện cơ quan báo chí trong nước và quốc tế

-Quốc hội vừa kiện toàn chức danh Nhà nước, các ứng viên được bầu và đề nghị phê chuẩn đều trúng cử, một số người được miễn nhiệm cho biết băn khoăn, bị động, được thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác nhiệm kỳ của họ. Ý kiến của Tổng thư ký thế nào và đây có phải tiền lệ cho những lần chuyển giao nhân sự sau này?

-Kỳ họp này dành khá nhiều thời gian kiện toàn nhân sự. Việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, thông báo từ trước. Chúng ta thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội vừa qua thực hiện đúng quy trình.

-Luật chế định Chủ tịch nước vì sao chưa thông qua, thưa ông? 

- Về Luật chế định Chủ tịch nước, đầu nhiệm kỳ khoá XIII Quốc hội đã có đề cập, nhưng bên phía Chủ tịch nước chưa chuẩn bị kịp nên xin lùi lại.

-Các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, vậy có chế tài gì để xử lý trách nhiệm?

-Về các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, báo cáo kinh tế đã nêu rõ. Hiện chúng ta chưa có chế tài nào cho việc này.

Trước đó, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông đã báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ 11 khóa XIII, vừa kết thúc sáng nay 12-4.

Theo đó, kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét và thông qua các dự án luật như Luật tiếp cận thông tin, Luật điều ước quốc tế; Luật báo chí; Luật trẻ em; Luật dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị quyết phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ.

"Việc Quốc hội ban hành các luật này tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, góp phần hoàn thành hệ thống pháp luật, pháp lệnh của toàn khóa XIII, hoàn thành hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh sản xuất, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông nói.

Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.

"Tại các buổi thảo luận, các ĐBQH đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt đạt được, chưa được; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016", ông Thông nhấn mạnh.

Kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét các Báo cáo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. 

"Các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đó là tổ chức nhà máy vẫn còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, một số văn bản còn thiếu thống nhất, tính khả thi chưa cao; việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa tốt, hiệu quả thấp, lãng phí, bội chi ngân sách và nợ công tăng cao; giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước còn hình thức; tình trạng tồn đọng án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật chưa được khắc phục triệt để...", báo cáo kết quả kỳ họp cho biết.

Một trong những việc quan trọng đã được Quốc hội thực hiện trong kỳ họp 11 khóa XIII là xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Theo đó, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách 2 Phó Chủ tịch và 13 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách 1 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - an ninh.