- Hà Nội đẩy nhanh tiến độ số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- 7 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 1/8
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Chiều 30-11, với đa số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết này thực chất không phải là thí điểm mà là bổ sung quy định trong Luật Đất đai.
Cũng có ý kiến đề nghị cần khẳng định chỉ thực hiện nội dung chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà chưa có luật điều chỉnh; cân nhắc việc thí điểm đối với nhà ở thương mại vì hiện nay nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp mới là vấn đề bức xúc cần thí điểm.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), mục đích của Nghị quyết này là để bổ sung phương thức tiếp cận đất đai, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở thương mại. Nghị quyết này không bao gồm các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ phạm vi thí điểm, chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương, một số tỉnh, thành phố có nhu cầu về nhà thương mại cao.
Về việc này, UBTVQH cho rằng, hiện nay các dự án nhà ở thương mại có quy mô nhỏ thường vướng mắc, nếu chỉ thực hiện tại một số địa phương thì những địa phương khác khi muốn triển khai dự án nhà ở thương mại theo cơ chế thỏa thuận sẽ không thực hiện được. Vì vậy, thí điểm thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công bằng giữa các địa phương.
|
Về điều kiện thực hiện dự án thí điểm, có ý kiến đề nghị không thực hiện thí điểm đối với đất lúa, đất rừng, đất an ninh, đất quốc phòng, chỉ thực hiện thí điểm đối với đất phi nông nghiệp không phải đất ở; Có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với các loại đất thực hiện thí điểm như đất trồng lúa, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo.
UBTVQH cho rằng, trên thực tế phần lớn các dự án bất động sản phát triển mới đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở. Trường hợp khu đất mà doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở thương mại có phần đất quốc phòng, đất an ninh và đất tôn giáo, địa phương phải chịu trách nhiệm xem xét, quyết định trên cơ sở các quy hoạch có liên quan, các điều kiện, quy định về đầu tư, kinh doanh bất động sản, tôn giáo.
Có ý kiến cho rằng, quy định phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với các trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh là chưa phù hợp.
Về việc này, UBTVQH báo cáo: Nội dung chính sách liên quan đến đất quốc phòng, đất an ninh có tính chất đặc thù nên khi thực hiện các dự án thí điểm trên diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh thì cần lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là hợp lý.
Về tiêu chí thực hiện dự án thí điểm, có ý kiến cho rằng, quy định không vượt quá 30% diện tích đất ở là cần thiết, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở đưa ra số liệu 30% diện tích đất ở; đề nghị làm rõ sự phù hợp của quy định này đối với tất cả các địa phương.
UBTVQH báo cáo như sau: Việc quy định tiêu chí trên xuất phát từ Nghị quyết số 18-NQ/TW chủ trương “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”. Quy định này đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các hình thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
Cũng trong chiều 30-11, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Điểm đáng chú ý tại Luật này là chỉ quy định lộ trình xoá bỏ bù chéo giá điện; giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện. Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.