Quốc hội cho phép tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96.24%), sáng 30-11, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để bảo đảm tính khả thi của các biện pháp XLCH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và quy định chặt chẽ về từng biện pháp XLCH từ Điều 40 đến Điều 51 của dự thảo Luật; quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng biện pháp XLCH, cũng như yêu cầu đặt ra đối với một số biện pháp XLCH cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai trên thực tế được thuận lợi, hiệu quả, khả thi.

Về trường hợp không được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 38), có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên (NCTN) được áp dụng biện pháp XLCH.

UBTVQH thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng XLCH như ý kiến trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của NCTN so với hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này, và không bổ sung các trường hợp không được phép XLCH mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của NCTN so với quy định.

Kết quả biểu quyết
Kết quả biểu quyết

Về áp dụng biện pháp giám sát điện tử (Điều 139), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng Điều 140 của dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 178 của dự thảo Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử kể từ 1/1/2028 (sau hiệu lực chung của Luật là 2 năm) để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.

Về tách vụ án hình sự (Điều 143), để bảo đảm phù hợp và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn giải quyết án, tiếp thu ý kiến ĐBQH và ý kiến của các cơ quan tư pháp trung ương, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định tách vụ án nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ các chính sách nhân văn, tiến bộ đối với NCTN, đồng thời, không quy định cụ thể trong Luật về thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra như dự thảo trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8, mà giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết việc tách vụ án.

Về thủ tục xét xử thân thiện (Điều 151), có ý kiến đề nghị quy định quyết định áp dụng biện pháp XLCH của Hội đồng xét xử chỉ bị khiếu nại hoặc kiến nghị mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

UBTVQH nhận thấy, khoản 6 Điều 151 của dự thảo Luật quy định, khi xét xử, nếu xét thấy NCTN có đủ điều kiện áp dụng biện pháp XLCH thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp XLCH đối với bị cáo. Quy định này kế thừa quy định hiện hành.

Ở giai đoạn này, bị cáo đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm (đã phải trải qua tất cả trình tự, thủ tục xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa…). Kết thúc phiên tòa nếu xét thấy bị cáo có đủ điều kiện áp dụng biện pháp XLCH thì Hội đồng xét xử nghị án và ra Quyết định áp dụng biện pháp XLCH.

Do đó, bị cáo, người bị hại, Viện kiểm sát phải có quyền kháng cáo, kháng nghị. Chỉ khi có kháng cáo, kháng nghị mới là căn cứ để mở ra trình tự phúc thẩm theo yêu cầu của Hiến pháp. Do đó, xin Quốc hội cho giữ quy định kháng cáo, kháng nghị đối với Quyết định áp dụng biện pháp XLCH của Hội đồng xét xử.