- TikTok "lôi kéo" người già, trẻ nhỏ sáng tạo nội dung nhảm nhí ra sao?
- Nội dung vi phạm, nhảm nhí, độc hại tràn lan trên TikTok
Phản ánh với phóng viên ANTĐ, chị L.T.K ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, con gái chị đang học đại học năm thứ nhất ở Hà Nội và có quan hệ tình cảm yêu đương đồng tính với 1 bạn gái cùng lớp.
Ban đầu biết tin này gia đình chị khá sốc, nhưng sau khi tâm sự trò chuyện với con, chị cũng dần hiểu và thông cảm với giới tính của con mình.
Điều đáng nói là, trong thời gian ở trường, con gái chị K và bạn gái thường xuyên đi cùng nhau và có những hành động, cử chỉ khá thân mật như âu yếm, vuốt ve, thậm chí ôm hôn.
Những hành động này đã được một số sinh viên khác ghi lại và đưa lên mạng xã hội với những ngôn từ mang tính chế giễu, bỡn cợt thậm chí còn xúc phạm người trong cuộc khiến gia đình chị K vô cùng bức xúc. Con gái chị do xấu hổ cũng không muốn tới lớp.
‘Tôi được biết ai cũng có quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình. Việc tự ý quay chụp, đưa hình ảnh người khác lên mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của họ. Vậy, đối tượng có hành vi này sẽ bị xử lý ra sao’ - chị K đặt câu hỏi.
Về nội dung trên, Điều 32 BLDS 2015 đã quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu dùng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, Bộ luật này cũng nêu rõ, các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ gồm:
Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Nếu thấy việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với việc lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi:
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc…
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân… chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015.