Công an Hà Nội:

Quan tâm công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những vấn đề đang được cơ quan quản lý Nhà nước và người dân quan tâm, là thực trạng công tác tạo việc làm, cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng, các quỹ trên địa bàn.

Bài 3: Những đề xuất, kiến nghị từ đòi hỏi thực tiễn

Về công tác tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; trong thời gian qua, lực lượng Công an các cấp thuộc Thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đã xây dựng được 10 mô hình điển hình, trong đó có 3 mô hình tiêu biểu gồm: (1) Mô hình “Tổ giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn huyện Hoài Đức, đã tạo điều kiện giúp đỡ 7 người chấp xong án phạt tù về địa phương có công ăn, việc làm ổn định; (2) Mô hình “Tổ xe ôm tự quản” trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh ưu tiên những người chấp hành xong án phạt tù tham gia; (3) Mô hình “Tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự” của Công an quận Hai Bà Trưng đã lồng ghép thực hiện tốt chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Việc làm là yếu tố quan trọng giúp người lầm lỗi sớm hòa nhập cuộc sống (ảnh minh họa)

Việc làm là yếu tố quan trọng giúp người lầm lỗi sớm hòa nhập cuộc sống (ảnh minh họa)

Về công tác cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng, các quỹ trên địa bàn. Sự quan tâm, giúp đỡ tích cực từ phía các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân đã giúp cho nhiều người chấp hành xong án phạt tù có thể tìm kiếm được việc làm, có việc làm ổn định, nhiều trường hợp được các tổ chức được hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm ổn định cuộc sống điển hình là: Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã cho 1 người chấp hành xong án phạt vay 50 triệu tiền vốn để phát triển kinh tế; 4 người chấp hành xong án phạt tù được các Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn với tổng số tiền là 180 triệu đồng.

+ Hội Nông dân xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng đã cho 1 người chấp hành xong án phạt vay 70 triệu tiền vốn để phát triển kinh tế. Ngày 26/8/2022, Ủy ban nhân dân phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã tổ chức trao tặng 1 xe máy trị giá trên 22 triệu đồng cho gia đình ông Phạm Văn Dũng để hành nghề “xe ôm” theo nguyện vọng.

Từ thực tiễn tình hình, CATP Hà Nội đã có những kiến nghị, đề xuất để triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Cụ thể, đề nghị Bộ Công an quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan có văn bản báo, đề xuất bổ sung thêm chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp làm công tác THNCĐ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ và pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ thuộc CATP thực hiện công tác này.

Đề nghị Bộ Công an quan tâm, trang cấp, lắp đặt hệ thống máy tính, đường truyền và phần mềm quản lý người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tải hòa nhập cộng đồng cho Cơ quan THAHS hai cấp thuộc CATP Hà Nội để nâng cao hiệu quả hơn nữa việc thực hiện các mặt công tác về THAHS. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác quản lý, giảm sát, giáo dục người có án phạt tù còn ngoài xã hội, từ đó làm nền tảng để thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Về chỉ đạo Cơ quan THAHS cấp huyện. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ. Cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác THNCĐ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú: Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn để họ có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống THNCĐ, hạn chế tái phạm và vi phạm pháp luật.

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về THNCĐ hoạt động hiệu quả trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu hút được nhiều người chấp hành xong án phạt tù tham gia lao động, sản xuất để họ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện trở thành công dân tốt. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, điều kiện để duy trì hoạt động của các mô hình.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo, đài Trung ương và Hà Nội tổ chức tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức, loại hình phong phú về các nội dung công tác THNCĐ để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…