Quản lý vận tải: Nhiều nơi phó mặc cho lái xe

ANTĐ - Nhiều doanh nghiệp vận tải vi phạm về điều kiện kinh doanh và buông lỏng công tác quản lý đội ngũ lái xe là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Đây là nhận định của Thanh tra Bộ GTVT qua kiểm tra  tại một số địa phương như Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.

Buông lỏng quản lý vận tải là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT

Lái xe kiêm quản lý 

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, các Sở GTVT địa phương chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô tại các đơn vị, cấp phép nhưng không có hậu kiểm. “Một số doanh nghiệp đã chú ý đến việc quản lý phương tiện, quản lý lái xe, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ hành khách. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải vi phạm như quản lý xe, lái xe, thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là vi phạm tốc độ, nhiều lái xe chạy quá tốc độ quy định”, ông Thạch Như Sỹ cho hay.

Theo nhận định từ Thanh tra Bộ GTVT, vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động vận tải chính là việc các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải không quản lý phương tiện, giao xe cho lái xe quản lý tất cả các khâu như: duy tu, bảo dưỡng, quản lý, sử dụng phương tiện, khoán trắng phương tiện cho chủ xe tự quản lý, điều hành, sửa chữa chiếm tỷ lệ rất lớn từ 40%- 80% trong số các đơn vị được kiểm tra.

Ví dụ, tại Thừa Thiên Huế, qua kiểm tra 2/3 đơn vị, tổng số phương tiện khoán trắng là 21/63 phương tiện (chiếm 33,3%); tại Quảng Ngãi, tổng số phương tiện khoán trắng khi kiểm tra 2/5 doanh nghiệp là 18/76 phương tiện (chiếm 23,7%); tại Bình Định, ở 4/5 đơn vị kiểm tra thì tổng số phương tiện khoán trắng là 103/153 phương tiện (chiếm 67,3%). “Toàn bộ hoạt động của phương tiện do lái xe điều hành. Hàng tháng, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thu một khoản tiền từ việc bán thương hiệu. Đây là những tồn tại mà các hợp tác xã vận tải hiện nay thường mắc phải”.

Đề cập về vấn đề quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, Thanh tra Bộ GTVT đánh giá, các doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe rất lỏng lẻo, nhiều đơn vị quản lý chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo chế độ chính sách cho người lái xe, và đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Việc không ký hợp đồng với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hoặc lái xe, nhân viên phục vụ không có tên trong danh sách do đơn vị quản lý chiếm từ 30% đến 60%. Hay như tại Bình Định, qua kiểm tra 2/5 đơn vị cho thấy, tổng số nhân viên lái xe và nhân viên phục vụ của 5 đơn vị là 222 người,  trong đó có 4 nhân viên không có tên trong hồ sơ quản lý, 123 nhân viên chưa được ký kết hợp đồng lao động.

Vượt tốc độ là chuyện “cơm bữa”

Bên cạnh đó, kiểm tra trích xuất dữ liệu trong khoảng thời gian từ 1-7 đến 15-7 trên dịch vụ máy chủ của doanh nghiệp vận tải cho kết quả, các phương tiện vượt quá tốc độ 80km quá nhiều, chiếm 80% đến 90%. Trích xuất dữ liệu của 80 phương tiện, có 62 phương tiện vi phạm về tốc độ chạy xe (chiếm 84,9%) với tổng số 7.593 lần, đặc biệt có phương tiện tốc độ cao nhất lên đến 123 km/giờ. “Có xe khách khi kiểm tra phát hiện, trong nửa tháng chạy vượt tốc độ đến 928 lần, tốc độ cao nhất đạt 117km/h…” .

Ngoài ra, tại 16 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải được kiểm tra đã phát hiện 9 doanh nghiệp thiếu điều kiện kinh doanh (chiếm 56,25%), 8 đơn vị thiếu đăng ký, niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải (chiếm 50%). Đoàn kiểm tra đã giao cho Thanh tra Sở GTVT địa phương xử phạt 5 đơn vị vi phạm về điều kiện kinh doanh và áp dụng hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đến khi khắc phục xong những vi phạm; kiến nghị thu hồi 4 giấy phép kinh doanh vận tải của 4 đơn vị (Quảng Ngãi và Bình Định mỗi tỉnh 2 đơn vị). Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị các Sở GTVT thu hồi sổ nhật trình và phù hiệu xe chạy tuyến cố định 37 phương tiện của 5 đơn vị (Thừa Thiên Huế 11 phương tiện, Quảng Ngãi 18 phương tiện, Bình Định 8 phương tiện).

Ông Thạch Như Sỹ cho hay, trong thời gian tới, 7 đoàn kiểm tra của Bộ GTVT sẽ thanh, kiểm tra toàn diện việc chấp hành kinh doanh vận tải ở các địa phương “nóng”, siết lại quy định cũng như điều kiện kinh doanh vận tải, tình trạng buông lỏng quản lý trong hoạt động này tại các địa phương.