Người tâm thần gây án gia tăng

Quản lý thế nào?

ANTĐ - Thời gian gần đây, những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra ngày càng nhiều. Người tâm thần phạm tội được pháp luật nương tay, dư luận cũng không quá khắt khe. Nhưng nỗi đau để lại là có thật.  Vậy phải quản lý người tâm thần như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả mà họ gây ra. đã đến lúc cần phải đặt ra vấn đề quản lý người tâm thần và bắt buộc những người tâm thần đi chữa bệnh.

Nỗi đau gây ra bởi… “người điên”

Vào giữa tháng 5-2011, người dân Hà Nội bàng hoàng trước cảnh một người phụ nữ đang mang thai 6 tháng người bê bết máu vì mấy chục nhát dao của người chồng điên loạn. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Kim Dung, còn người chồng – kẻ thủ ác là Đào Hải Thiện. Trước đó, Đào Hải Thiện từng bị tâm thần đã điều trị tại Bệnh viện Bach Mai. Tại Hải Phòng, trong tháng 7 cũng xảy ra vụ án nghiêm trọng khi nạn nhân Vũ Thị Oanh bị chính người con trai là Trần Hữu Trường sát hại dã man. Trường vốn có tiền sử về bệnh tâm thần, hay nói lảm nhảm, gia đình cho rằng Trường bị ma trêu, nên trước đó đã mời thầy về nhà làm lễ “bắt ma”.

Chín người bị chém, một người sau đó đã tử vong do thương tích quá nặng. Đó là hậu quả của vụ án kinh hoàng xảy ra ngày 8-9-2011 ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Hung thủ gây án có quan hệ họ hàng thân thiết với nhiều nạn nhân. Chẳng có động cơ gây án, một lý giải được đưa ra, đó là hung thủ Vũ Văn Mạnh (SN 1963) từng có tiền sử về bệnh tâm thần và được cho là đã chữa khỏi nhiều năm nay.

Mới đây, dư luận Hà Nội lại xôn xao về vụ chị Đặng Thị Ngát cùng hai con là Nguyễn Mạnh Dũng (SN 2007) và Nguyễn Phú Minh (SN 2009) ở Miêng Hạ, Ứng Hòa bị giết chết trên giường ngủ ngày 21-9. Kẻ đang tâm giết hại 3 mẹ con họ được nhanh chóng làm rõ, không phải ai khác chính là người chồng, người cha của các nạn nhân, Nguyễn Văn Mạnh. Nguyễn Văn Mạnh vốn đang trong quá trình điều trị bệnh tâm thần, đêm hôm đó do hoang tưởng có một nhóm người đánh mình nên Mạnh đã dùng khăn giấy ướt lần lượt bịt mồm, mũi vợ, con mình cho đến khi họ tắt thở.

Người tâm thần có nguy hiểm?

Tâm thần có đến 10 thể với khoảng 300 loại bệnh. Theo Bác sĩ La Đức Cương (Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương I) thì trong các ca bệnh, đa số vẫn là các bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh, rối loạn trầm cảm… Nhưng nổi lên một số bệnh tâm thần “hiện đại” như loạn thần, hoang tưởng, rối loạn tính cách do nguyên nhân nghiện rượu, nghiện ma túy và nghiện game. Đặc biệt, người nhiễm các bệnh này đa số đều là thanh thiếu niên, người đang độ tuổi lao động.

Một dạng bệnh khác là người bị trầm cảm (do nội sinh, do nghiện chất hay stress…) thường hay chán sống, muốn hủy hoại bản thân mình. Số bệnh nhân mắc trầm cảm ngày càng gia tăng và trẻ hóa cùng với áp lực công việc, áp lực tâm lý, áp lực xã hội. Hầu hết, chỉ khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như trầm cảm, sống khép mình, không giao tiếp, giận mình, giận đời, hoảng loạn, kích động, muốn hủy hoại cuộc sống bằng cách tự tử… thì gia đình mới phát hoảng và bắt đầu nghĩ đến khả năng con mình có vấn đề về thần kinh.

Còn nhóm bệnh có nguy cơ gây hại cho người khác lớn nhất thuộc về nhóm bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và rối loạn hưng cảm. Trong đó tâm thần phân liệt (dân gian gọi bệnh điên) là nặng nề nhất. Người bệnh bị rối loạn toàn diện các chức năng tâm thần, không còn khả năng phân biệt đúng sai. Họ thường bị hoang tưởng, ảo giác chi phối, coi người thân là kẻ thù, ma quỷ, cần phải trừ khử. Còn bệnh động kinh, người bệnh thường có xung đột, tấn công, đánh giết người thân và những người xung quanh nhưng sau đó lại tỏ ra ân hận.

Đặc biệt, người động kinh lâu ngày thường bị thay đổi nhân cách, hay để ý vụn vặt, chấp nhặt, thù dai. Còn lại, một số dạng bệnh về cơ bản vẫn nhận thức và điều khiển được hành vi. Tuy nhiên ở những thời điểm nhất định, họ mất khả năng này. Khi có các điều kiện thuận lợi như một mâu thuẫn nhỏ, một lời nói nặng, thậm chí là các tác động của thời tiết, phim ảnh, sự kiện xã hội dù rất nhỏ cũng có thể khiến những người mắc bệnh này có hành động bất thường và gây ra những hậu quả khó lường.

Cần đưa người tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc

Để phòng ngừa những hậu quả có thể xảy ra, người thân là những người gần gũi với bệnh nhân cần kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường thông qua những cử chỉ, lời nói, hành động… để đưa đi viện. Đó chính là khi họ đang “tích tụ năng lượng” rất có thể gây ra những hành vi phạm tội. Thế nhưng theo bác sĩ Cương, hiện nay việc nắm bắt thông tin của người dân đối với sức khỏe tâm thần, vẫn còn hết sức hạn chế. Nhiều người nhận thức về bệnh tâm thần còn rất lệch lạc, chưa đầy đủ.

Việc gia tăng các vụ án do người tâm thần gây ra khiến dư luận lo ngại và đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về việc quản lý, chăm sóc người tâm thần ngoài xã hội. Theo các chuyên gia thì nếu bệnh nhân tâm thần được điều trị đúng phương pháp và được sống trong một môi trường có sự giám sát chặt chẽ khó có khả năng gây hại cho ai. Bởi lẽ, bệnh nhân tâm thần gây án thường do các triệu chứng bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh khiến bệnh nhân thực hiện hành vi phạm pháp, gây án.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu bệnh viện, thiếu nhân lực, cơ sở vật chất… phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân tâm thần. Cả nước mới chỉ có 33 bệnh viện tâm thần tại 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng Hà Nội có 3 bệnh viện mà vẫn chưa đáp ứng được số lượng bệnh nhân cần điều trị. Còn lại các tỉnh thành khác cũng có chuyên khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa nhưng ở tình trạng thiếu cán bộ chuyên khoa và khả năng dung nạp ít. Số lượng các bác sĩ chuyên khoa về tâm thần cũng rất thiếu, chỉ có 800 bác sĩ, tỷ lệ 1/100.000 dân. So với tỷ lệ trên thế giới (1 bác sĩ/30.000 dân) thì rõ ràng Việt Nam cần có 1.500 bác sĩ tâm thần. Vì thế, việc điều trị, chẩn đoán, chăm sóc dưới cơ sở cũng rất hạn chế.

Hơn nữa, việc đưa người tâm thần đến các cơ sở điều trị vẫn còn hạn chế. Nhiều trường hợp khi biết người thân của mình có dấu hiệu của bệnh lại dấu, e ngại điều tiếng, dư luận. Nhiều gia đình cho là bị ma làm, quỷ ám nên mời thầy cúng bái mà không đưa đến bệnh viện. Một số gia đình do hoàn cảnh neo đơn, bị bệnh nhân kháng cự nên không đưa đi điều trị được.

Cá biệt có một số bệnh nhân kháng trị, các phương pháp điều trị chỉ đạt được một mức độ nào đó khiến gia đình bi quan, chán nản. Đa phần các gia đình khi người bệnh có dấu hiệu nặng mới đi điều trị, sau đó thường xin về nhà điều trị tiếp. Nhưng ở môi trường gia đình sự quan tâm không được sát sao, người thân thiếu hiểu biết khiến tình trạng bệnh không được cải thiện, người bệnh dễ dẫn đến những hành động bất thường, có thể thành tội ác. Như trường hợp Nguyễn Văn Mạnh ở Ứng Hòa, trước đó được đưa đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân do nghiện rượu nặng nên mắc chứng hoang tưởng ảo giác, tiên lượng cần nhập viện điều trị nhưng người vợ xin về vì sợ chồng nằm viện không có người chăm sóc. Và đến tối hôm đó  thì người chồng lên cơn, giết chết vợ và hai con.

Trong khi đó, chính quyền địa phương thì không có “cái gậy pháp lý” để can thiệp vào việc đưa người bệnh đi điều trị. Hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định và chế tài bắt buộc người thân, người giám hộ của người bị tâm thần phải đưa người bệnh đi điều trị tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, chính quyền lại không có cơ sở pháp lý nào để đưa người bị bệnh đi điều trị. Việc bắt buộc chữa bệnh chỉ mới được áp dụng khi người tâm thần vi phạm pháp luật.

Bệnh nhân tâm thần sau khi được điều trị tại cơ sở y tế thì cần được sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng để tái hòa nhập cuộc sống. Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều định kiến với bệnh nhân tâm thần nên vô tình đã trở thành chất xúc tác khiến bệnh nhân dễ có những hành vi gây hại. Ngược lại, khi người tâm thần không bị xa lánh, miệt thị, ngăn cách thì tâm lý, bệnh tật của họ sẽ ổn định hơn; người nhà, bác sĩ cũng dễ được họ tin tưởng và chia sẻ bệnh tật hơn.

Nhiều nước trên thế giới đã có Luật Quản lý người tâm thần. Việt Nam cũng cần tiến tới xây dựng luật, hay ít nhất là pháp lệnh, nghị định hướng dẫn điều trị và quản lý người tâm thần để đảm bảo quyền lợi cho họ và cộng đồng. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 đã xây dựng và trình lên Bộ Y tế một văn bản hướng dẫn điều trị tâm thần bắt buộc, trong đó quy định một số hành vi nguy hiểm buộc người tâm thần phải đi viện điều trị nếu mắc phải. Nếu hướng dẫn này được phê duyệt thì bệnh viện và lãnh đạo địa phương mới có một  căn cứ pháp lý và buộc người tâm thần phải đi điều trị tập trung, cho dù người nhà có đồng ý hay không. Điều này sẽ hạn chế được nguy hiểm cho cộng đồng.