Đối tượng Tuấn Anh và Đào liên quan đến vụ cướp tài sản bắt nguồn từ việc cho vay nặng lãi
Thực tế cũng cho thấy, sự biến tướng, lách luật của đối tượng vi phạm trong hoạt động “tín dụng đen” khá tinh vi. Hoạt động này gần như chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân với nhau và mặc dù trên đường, phố vẫn nhan nhản những từ rơi, quảng cáo cho vay tài chính, cho thuê tài chính, hay vay tiền... nhưng quá trình kiểm tra, xử lý cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
“Có cầu ắt có cung”
Phân tích của lực lượng công an, hình phạt cho các hành vi liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hình phạt cao nhất với tội cho vay nặng lãi là 3 năm tù và phạt tiền tới 5 lần số lợi nhuận đối với hành vi cho vay nặng lãi thu lợi bất chính lớn, có tính chất chuyên bóc lột. Nhưng xác định thế nào là thu lợi bất chính lớn và có tính chuyên bóc lột thì rất khó...
Thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, “Tín dụng đen” có thể hiểu là tín dụng phi chính thức, nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo các quy định của pháp luật. Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là các giao dịch nội bộ, có lãi suất huy động và cho vay cao trong khi thủ tục thực hiện rất đơn giản.
Chính vì thủ tục đơn giản nên đôi khi người có nhu cầu vay tiền sẵn sàng chấp nhận lãi suất “cắt cổ”. Đến khi không có khả năng thanh toán bị chủ nợ thúc ép, nhiều người đã lâm vào cảnh “tan cửa nát nhà”, vợ chồng lục đục thậm chi ly hôn chỉ dính bẫy của “tín dụng đen”.
Xuất phát từ hệ luỵ của nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa bàn. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, phát hiện xử lý đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Thời gian qua, lực lượng CAQ Hai Bà Trưng cũng đã vào cuộc quyết liệt, triệt phá, bắt giữ các đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đổ chất bẩn, đòi nợ thuê góp phần giữ bình yên địa bàn.
Điển hình, tháng 12-2016, bà Lê Ngọc Trang (SN 1957, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) vay của Nguyễn Thị Đào (tức “Hằng”, SN 1981, ở P1102, chung cư số 1 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 18 triệu đồng, thông qua hình thức “bốc họ”.
Sau đó, Trang cắt lại 3 triệu đồng tiền lãi và đưa cho bà Đào 15 triệu đồng. Đến cuối tháng 4-2017, do bà Trang đóng tiền chậm 1 tuần, nên Đào cùng bạn trai là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đến nhà tìm, đòi tiền nhưng không gặp. Đào và Tuấn Anh liền gọi điện, nhắn tin chửi, đe dọa.
Tính đến ngày 24-5-2017, bà Trang còn nợ lại Đào 2,5 triệu đồng nên đã nhắn tin xin khất thì bị Đào tuyên bố, nếu đóng chậm sẽ bị phạt thêm 1 triệu đồng. Khoảng 17h ngày 30-5, bà Trang đi xe máy đến quá cà phê tại 127 - Triệu Việt Vương (phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) để gặp Đào trả nợ.
Tại đây, Đào yêu cầu bà Trang phải trả đủ 3,5 triệu đồng. Sau đó, Đào gọi điện cho bạn trai đến chửi và tát, đá vào mặt, người và dùng que hương đang cháy chậm gí vào thái dương bà Trang.
Thượng tá Nguyễn Thành Tín cho biết thêm: "Những năm gần đây, tình trạng vỡ “tín dụng đen” liên tục xảy ra với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng này gây ra hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng xấu đến TTATXH, đẩy không ít gia đình vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, nợ nần chồng chất".
Triệt tận gốc "tín dụng đen"
Thực hiện kế hoạch 231/KH - CAHN-PV11 của CATP Hà Nội về tổ chức điều tra cơ bản, phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố, CAQ Hai Bà Trưng đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể xử lý tình trạng này.
Một vụ khủng bố "con nợ" bằng chất bẩn là mắm tôm và dầu luyn
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Tín, tội phạm liên quan đến các cơ sở cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh tài chính diễn biến phức tạp, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Hệ lụy của "tín dụng đen" còn vượt ra khỏi những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kéo theo hàng loạt các hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội như giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn… Do vậy, cần triệt tận gốc vấn nạn này để không phát sinh mầm mống tội phạm.
“Trong quá trình triển khai kế hoạch 231, CAQ Hai Bà Trưng đã quán triệt đến từng CBCS trong việc đấu tranh quyết liệt với các đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, các đơn vị luôn làm tốt công tác điều tra cơ bản, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án đấu tranh một cách chủ động, không chờ đợi, bị động, truy kích đến cùng đối tượng gây án”, Thượng tá Nguyễn Thành Tín nhấn mạnh.
Trao đổi với chỉ huy Đội CSHS - CAQ Hai Bà Trưng về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, phóng viên Báo ANTĐ được biết thủ tục cho vay “tín dụng đen” khá đơn giản và tiện lợi, nhưng ẩn chứa trong đó không ít chiêu lừa mà người vay không dễ phát hiện. Con nợ trong “tín dụng đen” khá đa dạng về thành phần, nhân thân.
Theo thống kê, trong 6 tháng gần đây (từ 16/11/2017 đến 15/5/2018, CAQ Hai Bà Trưng đã phát hiện xử lý 14 vụ đổi chất bẩn, chất thải; 3 vụ cướp tài sản (8 đối tượng); 3 vụ thuộc các tội danh liên quan đến cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật có liên quan đến đối tượng cầm đồ, cho vay tín dụng.
“Để hạn chế những hệ lụy của hoạt động “tín dụng đen” gây ra trên địa bàn, ngoài việc làm tốt công tác rà soát, nắm tình hình thì lực công an cũng đã tăng cường biện pháp hành chính trong việc quản lý hoạt động tín dụng, tập trung nhiều kênh thông tin để phát hiện làm rõ các vụ cho vay nặng lãi để răn đe. Quản lý chặt dịch vụ cầm đồ, đây là công cụ biến tướng của cho vay nặng lãi”, Trung tá Nguyễn Ngọc Tùng, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Hai Bà Trưng chia sẻ.
Luật sư Vũ Quang Vượng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc quản chặt hoạt động “tín dụng đen” thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, cũng như tác hại của “tín dụng đen”.