Quản chồng: Ngồi trên đống lửa

ANTĐ - Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều bà vợ đã lập đủ các hàng rào để kiểm soát nhất cử nhất động của chồng. Nhưng hệ quả là chồng không giữ được trong khi sự tin tưởng, yêu thương nhau lại phai nhạt dần. 
Quản chồng: Ngồi trên đống lửa  ảnh 1

Chiêu thức “Phật bà Quan âm”

Ngay từ hồi mới cưới, chị Bích Hạnh (chung cư Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đã được bạn bè cảnh báo: “Chồng đẹp trai, cao to, ăn nói hoạt bát, giao thiệp rộng, sểnh ra là con gái đeo bám, phải giữ chặt lấy”, khiến Hạnh lo lắng. Vì thế, ngay sau đám cưới, chị đã lên một thời gian biểu chi tiết, tỉ mỉ. Công ty anh Đức - chồng chị, cách nhà 8km, đi xe máy hết 25 phút, cộng thêm 5 phút tắc đường. 7h chồng ra khỏi nhà thì 8h kém 20, chị Hạnh đã gọi đến cơ quan “thăm dò” xem chồng đã đến chưa. Chị cũng không để chồng “rảnh rang” buổi trưa công sở, nên thường nhắn tin hỏi vu vơ: “anh ăn chưa, ăn món gì”. Nếu 10 phút sau không thấy chồng nhắn lại là điện thoại sẽ rung bần bật vì các cuộc gọi. Buổi chiều đúng 17h30, anh Đức phải có mặt ở nhà, nếu về muộn 15 phút anh phải mất cả tối để “giải trình” với vợ xem tạt ngang tạt ngửa ở đâu. Nếu đi gặp gỡ bạn bè thì anh phải “xách tay” vợ đi theo hoặc thông báo rõ giờ hẹn, điểm nhậu và sẵn sàng nghe điện thoại bất cứ lúc nào. 

Chị Thu Ngân (Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) thì kiểm soát tất cả các phương tiện công nghệ cao của chồng. Máy tính, điện thoại, ipad của anh lúc nào cũng nằm trong tầm quan sát của chị. Chị còn copy toàn bộ danh sách điện thoại trên máy chồng, nếu có số nào lạ gọi đến chồng chị đều phải “trình báo”. Chị cũng tự mở email, mở nick Yahoo Messenger cho chồng để có thể vào bất cứ lúc nào kiểm tra. Chị mở shop bán quần áo nên lấy cớ “tìm khách hàng”, chị kết thân với nhiều đồng nghiệp nữ của chồng. Vì thế, chị nắm rõ lịch công tác của chồng, biết trưa chồng hay đi ăn với ai, tại nhà hàng nào, thân thiết với đồng nghiệp nào, lương thưởng cũng phải rõ ràng. Mỗi ngày, chị chỉ để trong ví chồng 100 nghìn đồng, đủ để ăn trưa và cà phê. “Đàn ông mà rủng rỉnh tiền bạc thì con gái hay nhòm ngó. Kiểm soát kiểu đó thì chồng có chạy đằng trời” - chị Ngân lý luận. 

Cả ghen mất chồng

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khi các phương tiện truyền thông thổi phồng về sự rạn nứt trong gia đình, sự mong manh của tình yêu, các cơ hội cám dỗ khiến các ông chồng sa ngã, nhiều bà vợ đã dùng mọi chiêu thức nhằm giữ chồng. “Tuy nhiên, giữ chồng thông qua chiếc ví thì chắc chắn người vợ giữ được ví. Còn kiểm soát bằng điện thoại thì có thể giữ được “tiếng nói”, còn “bắt” chồng kè kè bên cạnh thì có thể giữ được thể xác của chồng” - ông Hòa cho biết. Sự ghen tuông bằng những “liệu pháp” nhằm buộc chặt chồng vào mình sẽ bào mòn sự tin tưởng, thui chột sự tôn trọng lẫn nhau và làm cạn kiệt tình yêu. Và cho dù giăng “thiên la địa võng” nhưng các ông chồng vẫn có cách “thoát thân” và chẳng ai có thể biết “ma ăn cỗ” lúc nào. 

Sau khi nhắn tin, biết chồng đang “ăn cơm công sở”, chị Hạnh  tìm đến cơ quan chồng, gọi điện từ cổng thì phát hiện ra máy điện thoại của chồng đang trong tay một ông “xe ôm”. Chồng chị đổi số từ lâu, chỉ giữ số cũ để đối phó với vợ. Trưa nào anh ta cũng lẻn ra ngoài “ăn phở” và thuê ông “xe ôm” chuyên nhắn tin trả lời các câu hỏi trời ơi đất hỡi của vợ. 

Còn vợ chồng chị Ngân cũng cãi nhau vì chị nhảy vào nick Yahoo Messenger của chồng để “ỡm ờ” một cô đồng nghiệp. Cô ấy không cắn câu mà hôm sau còn gặp chồng chị mắng một trận té tát. Anh ê mặt ở cơ quan. Tối hôm đó, chồng chị Ngân đã không tiếc lời mắng vợ “vô văn hóa”, “ngu xuẩn”. Không khí gia đình thẳng căng như dây đàn. Không chỉ vậy, anh thay toàn bộ mật khẩu hộp thư, nick chát, khóa máy điện thoại. Đang tự tung tự tác kiểm soát chồng nhất cử nhất động, nay lại bị “bí mật”, chị Ngân như đứng trên đống lửa, lúc nào cũng nhìn chồng với con mắt nghi ngờ, dò xét. Chồng chị Ngân cũng chán ngán, xách gối ra phòng khách ngủ riêng. 

“Nếu đàn ông có tính trăng hoa, muốn “ăn vụng” chắc chắn họ sẽ có vô số cách để “chùi mép”. Việc kiểm soát chồng không chỉ khiến chồng mệt mỏi, chán ngán, làm mất điểm của chồng trong mắt bạn bè mà cũng mài mòn lòng tự trọng của chính chị em. Khi sự tôn trọng và tin yêu không còn, đàn ông càng có cớ để “thả lỏng” trái tim” - chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.