Quản chặt đăng ký thuê bao trả trước

ANTĐ - Rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được gửi đến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Bộ TT-TT trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT-TT diễn ra sáng 3-4. Đáng chú ý là có doanh nghiệp đề nghị nới lỏng quản lý thuê bao di động trả trước.

SIM thuê bao trả trước vẫn được “đứng tên” sẵn

Đại diện Viettel chi nhánh Hà Nội cho biết, theo Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT của Bộ TT-TT, điểm đăng ký thông tin thuê bao phải có diện tích tối thiểu 20m2 đối với khu vực nội thành; phải có máy photocopy, máy scan để sao lưu dữ liệu của người đăng ký. Theo đó, phía Viettel Hà Nội đề nghị được “nới lỏng” điều kiện trên. “Diện tích khoảng 7-10m2 là hợp lý. Các điểm đăng ký phải có máy photocopy và scan thì không quan trọng lắm, vì có nhiều phương tiện để lưu giữ như chụp bằng điện thoại hay máy ảnh…”- đại diện Viettel nói.

Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ điểm đăng ký thuê bao di động không có “nhu cầu” thuê cửa hàng diện tích rộng để kinh doanh, bởi vì máy móc, thiết bị, nhân sự phục vụ cho hoạt động này không nhiều. Sử dụng cửa hàng nhỏ sẽ tiết kiệm được chi phí. 

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Đức Lai nhấn mạnh, chủ trương cho “ra đời” thuê bao trả trước là rất tốt đối với người dân. Nhưng khi soạn thảo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT thì ban soạn thảo chưa lường hết được sự phát triển của thuê bao và định hướng quản lý. Bất hợp lý đã xảy ra khi thuê bao trả trước phát triển mạnh, ồ ạt, gây lãng phí kho số, tổng đài, tài nguyên và gây lộn xộn trong xã hội khi thông tin thuê bao đăng ký không chính xác. “Chính phủ đã yêu cầu phải quản lý chặt thuê bao trả trước. Trước đó việc quản lý thuê bao này đã được thả lỏng rồi nay siết lại, cả người dân và doanh nghiệp đều không thích. Hôm nay đại diện doanh nghiệp vẫn phát biểu là việc quản lý không phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp thu nhưng về định hướng thì vẫn phải quản lý chặt và xử lý nghiêm vi phạm. Doanh nghiệp nào cũng báo cáo quản lý tốt nhưng thực tế ra hàng mua SIM vẫn không cần khai báo thông tin gì, vì thuê bao đã có sẵn thông tin rồi”- ông Trần Đức Lai nói. 

Theo ông Nguyễn Phong Nhã- Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ban hành đã gần 2 năm và qua kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin cho thuê bao di động trả trước thì sai phạm chủ yếu xuất phát từ điểm đăng ký thuê bao không đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Những điểm có trang bị máy móc theo quy định thì thông tin chính xác hơn. Về tiêu chuẩn diện tích, đây là điều kiện tối thiểu nhằm giảm số điểm đăng ký đáp ứng yêu cầu, từ đó siết chặt quản lý, giảm điểm đăng ký thuê bao không chính xác. “Vì vậy, trước mắt vẫn áp dụng thực hiện các quy định này”- ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định. 

Liên quan đến đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xây dựng trạm BTS do xin cấp phép rườm rà, người dân không đồng thuận, lãnh đạo Bộ TT-TT cho rằng, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang còn vướng mắc. Theo kế hoạch, năm 2015, mạng 4G sẽ được phủ sóng. Khi đó mật độ trạm BTS sẽ dày hơn bây giờ. Nếu việc xây dựng khó khăn như hiện tại thì hạ tầng không đáp ứng kịp. Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ Xây dựng tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải làm đúng theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật, không được “tiền trảm hậu tấu” như tình trạng phổ biến xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. 

Theo ông Đặng Vũ Tuấn- Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, Hà Nội hiện xếp thứ 23/100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Thành phố hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến CNTT, trong đó doanh nghiệp trong lĩnh vực về phần mềm và dịch vụ khoảng 1.200; các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ khoảng 800; còn lại doanh nghiệp phần cứng và phân phối, bán lẻ khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp. Toàn ngành CNTT năm 2013 đạt gần 4,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 13%, trong đó 70% liên quan đến lĩnh vực phần cứng, riêng xuất khẩu thiết bị điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 2,5 tỷ USD. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, thành phố sẽ tạo điều kiện, giải đáp các vướng mắc về thuế, giải phóng mặt bằng, đền bù, ưu đãi… cho doanh nghiệp CNTT-TT, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả của công viên phần mềm, khu CNTT tập trung Cầu Giấy…