Quá trình 'phi đô la hóa' của Nga mang lại kết quả không ngờ

ANTD.VN - Nga đang đẩy mạnh quá trình "phi đô la hóa" và đã thu về những kết quả ban đầu tương đối tích cực.

Nga đã bắt đầu quá trình "phi đô la hóa" từ cách đây vài năm và thu về những kết quả đầu tiên khá ấn tượng, kết luận này được chia sẻ bởi các nhà phân tích kinh tế đến từ Trung Quốc.

Đại diện Nga và Trung Quốc cách đây ít lâu đã đạt được thỏa thuận về dự án cung cấp khí đốt qua tuyến đường Viễn Đông. Điều này sẽ cho phép Moskva tăng khối lượng "nhiên liệu xanh" bán cho Bắc Kinh thêm 10 tỷ mét khối mỗi năm.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ cho phép Nga đa dạng hóa hơn nữa hoạt động xuất khẩu năng lượng, vốn trước đây phụ thuộc vào việc xuất khẩu các nước phương Tây.

Điều thậm chí còn có giá trị hơn đối với Moskva chính là quá trình này đang được thực hiện song song với tham vọng "phi đô la hóa". Nhận xét này được đăng tải trong một bài viết trên ấn phẩm Sohu.

“Hành động dứt khoát của Nga truyền thông điệp tới thế giới rằng chúng ta cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào phương Tây”, các nhà phân tích của ấn phẩm tiếng Trung nhấn mạnh.

Các nhà báo của tờ Sohu lưu ý rằng tập thể phương Tây, dẫn đầu là Mỹ đã dựa vào những biện pháp trừng phạt kinh tế (trong đó giáng mạnh nhất vào ngành năng lượng) và sự cô lập quốc tế đối với Nga.

Tuy nhiên những gì phương Tây đang nỗ lực thực hiện chưa mang lại thành công như mong muốn, và thực tế trên xảy ra phần lớn là nhờ nhờ tầm nhìn xa của Liên bang Nga.

Ngay từ năm 2014, Nga đã bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào đồng đô la và các loại tiền tệ phương Tây khác. Ngoài ra, Moskva còn xích lại gần các nước châu Á một cách có hệ thống. Kết quả là hành động trên đã mang lại một kết quả "hoành tráng".

Nhờ quá trình "phi đô la hóa", lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu hóa ra ít gây đau đớn hơn đối với Nga so với mức có thể. Các tổ chức tài chính của nước này đang dự trữ những loại tiền tệ khác và vàng, ngoài ra hệ thống thanh toán thay thế cũng đã được tạo lập.

“Thỏa thuận khí đốt được ký kết gần đây giữa Nga và Trung Quốc cũng khuyến khích sử dụng tiền tệ quốc gia. Đây là một đòn giáng mạnh khác vào hệ thống đồng đô la”, các nhà quan sát của tờ Sohu cho biết.

Trung Quốc tin rằng nếu Nga tiếp tục các hành động chống lại đồng đô la và sáng kiến ​​​​của họ nhận được sự ủng hộ trên toàn thế giới, thì thời kỳ khó khăn sẽ đến với đồng tiền của Mỹ.

Nếu viễn cảnh trên xảy ra, đồng đô la sẽ đối diện tình trạng mất giá nặng nề, và cùng với đó là ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới cũng sẽ suy giảm theo.

Nga hiện đã tạo lập được "cơn sóng" ban đầu, hưởng ứng mạnh mẽ nhất theo họ chính là những quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (Tổ chức BRICS).

Việc Mỹ và phương Tây phong tỏa kho dự trữ ngoại hối của Nga cũng là chất xúc tác khiến nhiều nước không muốn phụ thuộc vào đồng USD, bởi họ lo ngại sẽ là đối tượng tiếp theo.

Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế đó là vị thế của đồng đô la Mỹ vẫn còn rất chắc chắn, khi nó được hầu hết những nền kinh tế lớn nhất thế giới sử dụng và hậu thuẫn.

Cho dù Nga và những đồng minh rất nỗ lực thực hiện tiến trình "phi đô la hóa" nhưng con đường dẫn tới thành công của họ theo nhận xét vẫn còn rất xa vời, cho dù có được chút thành công ban đầu.