Khi Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng đồng nghĩa với việc một chính quyền hoàn toàn mới sẽ được ông thành lập, rất ít có khả năng những người từng phục vụ dưới thời Tổng thống Joe Biden được dùng lại.
Đứng đầu trong danh sách việc cần làm thời kỳ chuyển giao này là lấp đầy khoảng 4.000 vị trí trong chính phủ, từ Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nội các cho đến những nhân viên bán thời gian
Khoảng 1.200 trong số những vị trí bổ nhiệm đó cần được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, điều này sẽ dễ dàng hơn khi Thượng viện hiện đang chuyển sang quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Quá trình chuyển giao của ông Donald Trump chủ yếu do bạn bè và gia đình chịu trách nhiệm, trong đó có “phó tướng” JD Vance, con trai ông Donald Trump là Donald Trump Jr. và Eric Trump…
Ngay sau khi xác định đã thắng cử, ông Donald Trump tuyên bố rằng, cựu ứng cử viên Tổng thống Robert Kennedy Jr. sẽ được chọn để “giúp nước Mỹ khỏe mạnh trở lại”.
Ông Trump cũng cam kết đưa tỷ phú Elon Musk, người gốc Nam Phi, vốn ủng hộ nhiệt thành chiến dịch tranh cử của ông làm Bộ trưởng “cắt giảm chi phí”.
Vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Nội các ban đầu của ông Trump gồm một số đảng viên Cộng hòa và lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng những người này đã làm ông thất vọng hoặc công khai chia tay ông, hoặc cả hai.
Lần này, nhóm vận động tranh cửa của ông Trump cam kết rằng chính quyền nhiệm kỳ thứ hai sẽ không giống nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên sau chiến thắng năm 2016.
Ông Trump hứa sẽ coi trọng lòng trung thành hết mức có thể - một triết lý có thể đảm bảo rằng ông sẽ đưa ra những lựa chọn phù hợp hơn.
Không chỉ vậy, hầu hết các Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nhận được thông tin tình báo gần như hàng ngày trong quá trình chuyển đổi.
Năm 2008, Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush đã đích thân thông báo với Tổng thống đắc cử Barack Obama về các hoạt động bí mật của Mỹ.
Khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức vào năm 2016, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama đã tóm tắt tình hình cho ông Michael Flynn, người được chỉ định sẽ kế nhiệm bà trong chính quyền mới.
Nhưng vào năm 2020, ông Trump phản đối kết quả bầu cử, lập luận rằng bầu cử có gian lận nên trì hoãn việc chuyển giao, mãi đến ngày 30-11.
Để ngăn chặn tình trạng đó, Đạo luật Cải thiện Chuyển giao Tổng thống năm 2022 quy định, quá trình chuyển giao quyền lực phải bắt đầu 5 ngày sau cuộc bầu cử, ngay cả khi người chiến thắng vẫn còn trong vòng tranh chấp.
Trong lịch sử, kết quả cuộc bầu cử năm 2000 cũng gây tranh cãi và Tòa án Tối cao 5 tuần sau mới đưa ra phán quyết. Điều đó khiến Tổng thống đắc cử George W. Bush chỉ còn khoảng một nửa thời gian chuẩn bị thông thường
Có lẽ chính vì sự chậm trễ này mà dẫn đến những lỗ hổng an ninh quốc gia góp phần khiến nước Mỹ không chuẩn bị đầy đủ cho thảm kịch khủng bố ngày 11-9-2001.