Quá nhiều vướng mắc về bảo hiểm y tế

(ANTĐ) - Sau gần 2 năm Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chính thức đi vào cuộc sống, số đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh và quyền lợi của họ cũng được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận BHYT của người bệnh chưa được tháo gỡ.

Nhiều người bệnh vẫn khó khăn trong việc thanh toán BHYT

Người bị TNGT chưa thoát khổ

Kể từ khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng tham gia BHYT phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là những bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT), vì luật quy định rõ là chỉ những trường hợp TNGT chứng minh được không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông mới được BHYT chi trả. Việc chứng minh này chẳng khác gì đánh đố người bệnh. Do đó, để tháo gỡ, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã nhiều lần bàn bạc và soạn thảo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị TNGT. Dự thảo này đã soạn xong nhiều tháng nay nhưng vì chưa nhận được sự phản hồi của các bên liên quan nên hiện vẫn chưa rõ khi nào thông tư mới được ban hành.

Bà Tống Thị Song Hương cho biết, Bộ Y tế đã ký thông tư và chuyển sang các Bộ Tài chính, Công an xem xét nhưng vì thủ tục chưa xong nên thời điểm ban hành thông tư vẫn chưa được “gút” lại. Điều này cũng đồng nghĩa người bị TNGT vẫn phải tự chứng minh mình có vi phạm pháp luật về giao thông hay không để được thanh toán BHYT. Điều đó cũng có nghĩa, quy định “hành dân” từng bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” và đề nghị tháo gỡ nhiều lần vẫn chưa được Bộ Y tế gỡ bỏ, còn người bệnh BHYT vẫn thiệt thòi.

Đại diện Bộ Y tế gợi mở, quy định mới về thanh toán BHYT cho người bị TNGT sẽ có nhiều điểm thông thoáng. Đặc biệt, người bị TNGT có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, dù chưa có đủ căn cứ xác định có vi phạm pháp luật giao thông hay không vẫn được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Trách nhiệm xác nhận việc người bị tai nạn giao thông có vi phạm pháp luật về giao thông hay không sẽ do cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn xác minh. Trường hợp không xác định được thì Quỹ BHYT sẽ chịu trách nhiệm thanh toán. Tuy nhiên, bao giờ quy định này sẽ được áp dụng thì phía Bộ Y tế chưa khẳng định.

Hàng triệu người chưa có thẻ

Tính đến hết năm 2010, cả nước có 50,7 triệu người tham gia BHYT, tăng 25% so với thời điểm trước khi có luật, trong đó có 15,3 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng chú ý là mặc dù độ bao phủ BHYT đã tăng đáng kể, song bản chất nhân văn của việc tham gia BHYT là lấy của người giàu, của người khỏe bù cho người nghèo, người yếu vẫn chưa được thể hiện rõ. Bởi ngoài những đối tượng là người thường xuyên ốm đau, người có nguy cơ bệnh tật, người già trẻ nhỏ… thì còn khá nhiều đối tượng BHYT bắt buộc tham gia không đầy đủ. Chẳng hạn như các đối tượng học sinh - sinh viên, mặc dù thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT nhưng hiện số tham gia mới chỉ đạt 70%, hay các công nhân viên chức, doanh nghiệp hiện cũng mới tham gia được chưa đến 70%. Khó vận động tham gia hơn cả vẫn là các đối tượng cận nghèo. Năm 2010 mới có 692.000 người trên tổng số 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, dù nhà nước đã hỗ trợ 50% cho các đối tượng này và ở nhiều địa phương cũng trích ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 30%.

Ngay với các đối tượng đã tham gia BHYT nhưng còn rất nhiều người chưa nhận được thẻ BHYT và quyền lợi của họ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm, hiện vẫn còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ. Thậm chí còn có tình trạng cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số được chuyển tới các địa phương nhưng nhiều địa phương lại… cất trong tủ mà không chuyển tới người tham gia. Nhiều người dân vùng sâu, vùng xa không biết dùng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh mà thường đến trạm biên phòng… để khám, chữa bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới BHYT sẽ xem xét quy trình in ấn, phát hành… để tránh sai sót, đặc biệt sẽ quy định rõ ai có trách nhiệm chuyển thẻ BHYT đến người dân, trường hợp không phát thẻ sẽ bị phạt.

Liên quan đến chi phí BHYT cho công tác khám chữa bệnh, hiện chi phí cho tiền thuốc vẫn chiếm trên dưới 60% trong cơ cấu chi phí, xét nghiệm chiếm trên 15%. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Giám định y tế - BHXH Việt Nam cho rằng, sẽ là vội vàng nếu nói cơ cấu chi BHYT hiện nay là hợp lý hay chưa, bởi mức chi còn phụ thuộc vào từng cơ sở kỹ thuật, từng vùng, tuyến kỹ thuật. Dù vậy, quy định việc thống kê chi phí khám chữa bệnh cần khoa học hơn, đầy đủ hơn và nhất là phải tách bạch rõ phần thu và chi thì mới hy vọng đạt được sự rõ ràng trong việc chi trả BHYT, tránh thắc mắc từ phía người bệnh.