Quá hạn 48 giờ, Mỹ chưa tấn công Syria do ngại Nga hay đang dồn tổng lực?

ANTD.VN - Như vậy là thời hạn 48 giờ được Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra cho Syria trước khi tên lửa Tomahawk dội xuống đã trôi qua nhưng tình hình vẫn yên ắng lạ thường, nguyên nhân là do đâu?

Hành động án binh bất động của Mỹ vào thời điểm này được cho là khá khó hiểu, nhất là khi Tổng thống Donald Trump vốn nổi tiếng là người cứng rắn, liệu có phải Mỹ đang e ngại Nga?

Vấn đề đầu tiên cần phải xét đến trong một cuộc tập kích đường không là yếu tố bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay. Trong vụ oanh kích sân bay Sharat vào năm ngoái Mỹ nắm giữ trong tay yếu tố này.

Không một lời cảnh báo, các chiến hạm Mỹ đã áp sát bờ biển và phóng Tomahawk ở chế độ bay thấp toàn phần khiến hệ thống radar trinh sát của Nga không kịp phát hiện để cảnh báo sớm cho đồng minh.

Kết quả của cuộc tấn công đã gây thiệt hại khá nặng nề cho Quân đội Syria, Nga cũng hoàn toàn bị động và không lường trước được hành động quyết đoán của Tổng thống Hoa Kỳ.

Tuy nhiên sau 1 năm mọi việc đã khác, bằng hành động phô trương lực lượng rầm rộ cùng những lời đe dọa mạnh mẽ, Mỹ đã tự làm mất đi yếu tố bất ngờ vốn vô cùng quan trọng trong tác chiến.

Quân đội Syria hiện đã kịp sơ tán các máy bay, hệ thống tên lửa phòng không vào trong căn cứ Nga để tranh bị oanh kích, các đơn vị bộ binh, tăng thiết giáp của họ cũng đã đi tìm nơi trú ẩn.

Ngoài ra người Nga đã chú ý và theo dõi nhóm tàu chiến Mỹ ngay khi chúng vừa tập trung lực lượng, sự bất ngờ đã chẳng còn, chắc chắn mọi động thái của Hải quân Mỹ đều đã bị theo dõi sát sao.

Nếu Mỹ phóng Tomahawk trong thời điểm này, Nga sẽ ngay lập tức cảnh báo cho Quân đội Syria để sẵn sàng đáp trả hay chí ít là sơ tán lực lượng giúp hạn chế thương vong, khi đó hiệu quả của đòn tấn công gần như vô tác dụng.

Khi hiệu quả của cuộc tấn công của Mỹ vào Syria bị nghi ngờ thì sự trì hoãn là đương nhiên, cần lưu ý rằng Hoa Kỳ vốn nổi tiếng về độ thực dụng, họ sẽ chẳng quăng một đống tiền đi nếu như kết quả thu về dưới kỳ vọng.

Bên cạnh đó, một khả năng nữa được nhắc tới là Mỹ cần trinh sát thật kỹ thực địa, lựa chọn lại mục tiêu hoặc cài đặt chế độ cho vũ khí thật tinh vi nhằm tránh bắn nhầm vào người Nga để có thể dẫn tới vụ trả đũa.

Khả năng tiếp theo đó là Mỹ cần phải tìm cách chứng minh rằng, thật sự vụ tấn công tuần trước có sử dụng vũ khí hóa học và do quân đội Tổng thống al-Assad gây ra, để cuộc tấn công được hợp lý và cũng lôi kéo thêm đồng minh tham gia.

Người Mỹ trong quá khứ từng chịu không ít điều tiếng, nhất là tại Iraq và Lybia về các cáo buộc chính quyền những quốc gia này tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt tuy nhiên thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Ngoài ra cũng không thể loại trừ khả năng rằng việc Mỹ trì hoãn tấn công chẳng qua chỉ là một sự chuẩn bị kỹ càng hơn, để tập trung lực lượng nhiều hơn nhằm tung đòn oanh kích với quy mô lớn chưa từng có.

Việc liên tiếp kéo dài thời hạn chót sẽ khiến cho phía phòng thủ bị căng thẳng và mệt mỏi, dẫn tới hiệu quả chiến đấu giảm sút khi bước vào trận đánh thực sự.

Tình hình khu vực Trung Đông vẫn còn rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ