Qua 5 năm thực hiện Luật Cư trú: Vẫn còn nhiều vướng mắc

ANTĐ - Với những điều kiện thông thoáng về tiêu chuẩn, thủ tục, Luật Cư trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đăng ký lưu trú để “an cư lạc nghiệp”. Song, việc thực hiện Luật Cư trú hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú ở cơ sở…

Qui định “thông thoáng” của Luật cư trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được đăng ký lưu trú

Chỉ cần có “chỗ ở hợp pháp”

Có thể nói, với những qui định mới về điều kiện đăng ký cư trú rất thông thoáng, nhất là việc xác nhận chỉ cần có “chỗ ở hợp pháp” là đủ điều kiện nhập hộ khẩu, Luật Cư trú đã tạo thuận lợi cho những trường hợp trước đây còn bị vướng mắc được ĐKHK. Mặt khác, với việc nới rộng tiêu chuẩn đăng ký lưu trú (có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên), Luật Cư trú cũng đã tạo điều kiện cho các trường hợp người tỉnh ngoài có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ được ĐKHK thuận lợi nếu được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Những trường hợp trước đây thường bị vướng mắc trong ĐKHK như vợ (hoặc chồng) đang sinh sống ở tỉnh ngoài, muốn nhập khẩu về với chồng (vợ) có hộ khẩu thường trú ở thành phố phải tìm mọi cách “chuyển” công tác về thành phố mới được ĐKHK cùng người thân…, nay theo qui định của Luật Cư trú thì vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ; con về ở với cha ,mẹ; cha, mẹ về ở với con đã được ĐKHK dễ dàng khi chủ hộ là chồng, vợ, hoặc cha, mẹ  (người có sổ hộ khẩu) đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình…

Theo thống kê của CATP Hà Nội, qua 5 năm triển khai, do Luật Cư trú mở rộng về tiêu chuẩn, thủ tục đăng ký lưu trú nên tạo điều kiện thu hút người các tỉnh về Hà Nội ngày càng đông. Tính đến ngày 30-3-2012, CATP Hà Nội đã giải quyết đăng ký cư trú cho trên 300 nghìn nhân khẩu người tỉnh ngoài ĐKHK ở Hà Nội, gấp 8 lần so với năm đầu tiên triển khai Luật Cư  trú (2007). Ngoài ra còn có gần 1 triệu nhân khẩu là người tỉnh ngoài đến tạm trú. Với  lượng dân số ngày càng tăng như vậy đã gây áp lực lớn về giao thông, nhà ở, trường học, cơ sở hạ tầng, đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực nội thành.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh ưu điểm “thông thoáng” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được ĐKHK, ổn định cuộc sống, một số qui định của Luật Cư trú vẫn có những vướng mắc gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu cho công an cấp cơ sở. Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH-CATP Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, CATP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Công an và UBND Thành phố có chủ trương giải quyết trên 30 khó khăn, vướng mắc, nhưng đến nay vẫn còn một số bất cập cần được nghiên cứu giải quyết. Cụ thể, Luật Cư trú không qui định thời hạn cấp sổ tạm trú nên khi người dân vừa được cấp sổ tạm trú lại di chuyển đến chỗ ở khác, Công an sở tại lại tiếp tục cấp sổ tạm trú, dẫn đến có trường hợp 1 người “sở hữu” nhiều sổ tạm trú nếu họ thường xuyên thay đổi chỗ ở và kẻ xấu dễ lợi dụng sự “thông thoáng” này để hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, CATP Hà Nội kiến nghị việc đổi sổ tạm trú phải được xác định thời hạn 12 tháng. Khi hết thời hạn công dân phải làm thủ tục gia hạn, khi đến nơi ở mới phải làm thủ tục đăng ký đăng ký thường trú và được tiếp tục gia hạn vào sổ tạm trú có thời hạn. 

Theo qui định của Luật Cư trú, khi  nhận được thông báo của cơ quan công an nơi đến thông báo về việc công dân đã được ĐKHK thường trú, công an nơi công dân ĐKHK cũ mời công dân lên xóa hộ khẩu và xóa gốc sẽ gây phiền hà cho công dân; nếu họ không đến sẽ dẫn đến 1 người có hộ khẩu nhiều nơi; nhất là đối với trường hợp cả hộ gia đình ĐKHK đến nơi ở mới, không quay về nơi ở cũ xóa gốc do ngại đi lại nhiều lần. Để tránh xảy  trường hợp “có nhiều hộ khẩu”, CATP Hà Nội đề nghị khi cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân, cơ quan công an làm thủ tục xóa tên trong sổ hộ khẩu và xóa tên trong sổ gốc.

Trường hợp đến nơi mới có vướng mắc không đăng ký thường trú được thì cơ quan công an nơi đăng ký thường trú cũ đăng ký thường trú trở lại cho công dân. Một số nội dung qui định của Luật Cư trú quá đơn giản về thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của lực lượng công an. Đó là, Luật Cư trú chưa có định nghĩa về hộ gia đình và việc qui định tách hộ quá dễ (cứ 18 tuổi trở lên có nhu cầu xin tách hộ là được tách hộ, dẫn đến 1 gia đình có nhiều sổ hộ khẩu và cơ quan công an phải lập nhiều túi hồ sơ hộ; nhiều hộ chỉ là “danh nghĩa” trên sổ hộ khẩu nhưng thực tế vẫn sống chung trong một nhà gây khó khăn, tốn kém cho công an cấp cơ sở trong việc quản lý số hộ “ảo” này. Do vậy, cần phải định nghĩa về hộ trong đăng ký quản lý cư trú như định nghĩa gia đình của Luật hôn nhân và gia đình…