Phút kêu cứu tuyệt vọng của thuỷ thủ bị hải tặc Somalia bắt cóc

ANTĐ - Hiện nay do chủ tàu chậm nộp tiền chuộc tàu nên hải tặc đã chặt đứt một cánh tay của thuyền trưởng và liên tục đánh đập thuyền trưởng và thuyền phó.

Có khả năng chủ tàu không chuộc tàu nữa, do tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc nói cho phép thuyền viên điện về nhà lần này là lần cuối nếu không sớm trao tiền chuộc tàu và người…”, cuộc điện thoại đẫm nước mắt của thuỷ thủ gọi điện về cho người thân.

5 phút điện thoại kêu cứu người thân

Đã gần 2 năm nay kể từ khi hung tin ngày 25/12/2010 tàu cá FV Shiuh Fu-1 của Đài Loan (với 26 thuyền viên) bị cướp biển Somalia bắt giữ trên biển Madagascar (Ấn Độ Dương). Trong số 12 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc trên chiếc tàu đó thì có đến 10 người quê ở Nghệ An và trong số đó lại có đến 4 thuỷ thủ cùng một làng xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) gồm thuỷ thủ: Trần Minh Trí (SN 1990), Thuyền viên Vũ Văn Ba (SN 1991), Hồ Xuân Hương (SN 1989) trú tại xóm Minh Thành và thuyền viên Nguyễn Văn Hải trú tại xóm Thành Công.

Thuyền viên Trần Minh Trí và Hồ Xuân Hương (Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp)

Tết Nhâm Thìn vừa qua tưng bừng rầm rộ khắp cả nước nhưng với người thân của những gia đình có con em là thuỷ thủ bị bắt cóc thì buồn bã như ngồi trên đống lửa ngóng tin con hằng ngày. Rồi một ngày áp Tết (28 Tết) họ cũng đã được gặp được con của mình qua mấy phút ngắn ngủi trong điện thoại đẫm nước mắt.

Chiều 31/1 có mặt tại gia đình thuỷ thủ Trần Minh Trí, thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Trần Văn Trương (bố của thuỷ thủ Trần Minh Trí) đứt ruột gan khi kể lại cuộc điện thoại của con trai gọi về dưới họng súng của hải tặc. Ông kể: “Hôm nó gọi điện về là ngày 21/01/2012 (28 Tết). Tôi cầm điện thoại lên alo thì đầu giây bên kia phát ra giọng nói bố mẹ có khoẻ không, con đang bị hải tặc giam giữ bố ơi! Con tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc đã đưa tất cả các thuyền viên trên tàu lên bờ để giam giữ, yêu cầu chủ tàu chuyển tiền chuộc cho chúng. Các thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No 1 hàng ngày bị nhóm cướp biển đánh đập tra tấn, bỏ đói”.

Ông Trần Văn Trương (bố thuỷ thủ Trần Minh Trí)

Anh Trí cho biết thêm: “Hiện nay do chủ tàu chậm nộp tiền chuộc tàu nên hải tặc đã chặt đứt một cánh tay của thuyền trưởng và liên tục đánh đập thuyền trưởng và thuyền phó. Có khả năng chủ tàu không chuộc tàu nữa, do tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc nói cho phép thuyền viên điện về nhà lần này là lần cuối nếu không sớm trao tiền chuộc tàu và người…”.

Ông Trường cho biết, cuộc điện thoại của anh Trí chỉ đúng vỏn vẹn 5 phút là bị cúp. "Tôi chưa kịp dứt câu chuyện với con thì đã bị cắt điện thoại rồi" - ông Trường nói. Ngay sau đó ông liền lấy máy gọi lại vào số máy đó thì không liên lạc được nữa.

Rời gia đình thuỷ thủ Trần Minh Trí chúng tôi ghé thăm gia đình thuỷ thủ Hồ Xuân Hương (SN 1989) cùng trong xóm. Nằm bẹp trên chiếc giường ọp ẹp, bà Bùi Thị Huyền (mẹ thuỷ thủ Hồ Xuân Hương) nói trong nước mắt: “Năm nay gia đình tôi coi như không có Tết. Đã gần 2 năm nay từ khi biết tin Hương bị hải tặc bắt cóc trên tàu, tôi không ăn không ngủ gì được. Hôm sát Tết cả gia đình đang ngồi ăn cơm thì nhận được 5 phút điện thoại ngắn ngủi của thằng Hương gọi về trong nước mắt nói rằng, con đang bị hải tặc giam cầm khổ lắm, đói lắm… Nếu chủ tàu không chuộc tàu và người thì con không còn cơ hội trở về với bố mẹ nữa! Đau khổ cho con tôi quá, sao gia đình tôi lại đen đủi thế này.”

Bà Bùi Thị Huyền (mẹ thuỷ thủ Hồ Xuân Hương)  kể lại sự việc với PV trong nước mắt

Ông Hồ Xuân Ngữ (bố thuyền viên Hồ Xuân Hương) cho biết, vốn hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện ăn học, Hương bàn với bố mẹ vay vốn ngân hàng để đi xuất khẩu lao động với mong muốn giải quyết khó khăn cho gia đình, ai ngờ ước mơ chưa thành thì đã bị gặp nạn.

Người thân chờ đợi trong vô vọng

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình thuỷ thủ Trí và Hương ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu còn có người thân gia đình thuỷ thủ Vũ Văn Ba (SN 1991) con ông Vũ Văn Ngợi và thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1993). Tất cả họ đang ngày đêm ngồi chờ đợi con của mình dưới họng súng của bọn cướp biển trong vô vọng.

Trong căn nhà đơn sơ, ông Vũ Văn Ngợi (bố thuỷ thủ Vũ Văn Ba) 2 mắt thâm quầng vì thao thức trông ngóng con nói: “Hôm nhận được điện thoại thằng Ba gọi về, 2 bố con chỉ biết khóc trong điện thoại. Tôi già rồi, chả biết đi đâu để kêu gọi mọi người cứu giúp con. Bây giờ chỉ biết ngồi cầu mong các cơ quan chức năng sớm tìm biện pháp để cứu giúp con tôi trở về nhà. Biết đi xuất khẩu lao động mà phải đánh đổi cả tính mạng thế này thì tôi đã không cho con đi. Bây giờ mất cả người mà nợ nần lại chồng chất…”.

Theo bà Huyền (mẹ thuỷ thủ Hồ Xuân Hương): “khi hợp đồng thì phía công ty môi giới trả mỗi tháng 700 USD, mỗi tháng trừ lại 20 USD để đặt cọc, sau khi hết hạn hợp đồng sẽ thanh toán. Nếu theo hợp đồng thì mỗi tháng gia đình thuyền viên sẽ nhận được 14  triệu tiền Việt, sau khi đã trừ chi phí. Vậy mà từ khi con tôi bị cướp biển bắt giữ đến nay phia công ty môi giới chỉ trả mỗi quý 10 triệu hai trăm ngàn đồng”.

Hợp đồng bảo lãnh của thuyền viên Trần Minh Trí

Theo kế hoạch, hôm nay 1/2/2012 đại diện các gia đình có thuỷ thủ trên tàu cá FV Shiuh Fu-1 của Đài Loan bị hải tặc Somalia bắt giữ ngày 25/12/2010, sẽ ra Hà Nội gửi đơn đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để trình bày sự việc nhằm tìm biện pháp sớm giải cứu các thuỷ thủ.

Trước đó, 3/11/2011, Tàu đánh cá mang tên Chin Yi Wen (Đài Loan), trọng tải hơn 250 tấn, với 28 thủy thủ và thuyền trưởng. Trong đó 9 người Trung Quốc, 8 người Philippines, 6 người Indonesia, 5 thủy thủ Việt Nam đã bị hải tặc Somalia bắt cóc ở vùng biển Đông Phi. Sau 3 ngày bị giam giữ lênh đênh trên biển, thuyền trưởng cùng các thuỷ thủ trên tàu đã mưu trí đánh bại 6 tên cướp biển Somalia tự giải thoát cho mình để trở về quê hương.

Hành động của các thủy thủ trên tàu Chin YI Wen (Đài Loan) nói chung, mà đặc biệt là 5 thủy Việt Nam (trong đó 3 thủy thủ người Nghệ An và 2 thủy thủ người Hà Tĩnh) nói riêng đã được báo chí trong nước và nước ngoài, đặc biệt là Đài Loan, ngợi khen như những người hùng đã dũng cảm chống lại hải tặc Somalia. Theo lời phát ngôn viên Tsay Tzu-yaw của Cơ quan phụ trách vấn đề đánh cá của Đài Loan (TFA) phát biểu với phóng viên hãng AFP thì: "Đây là lần đầu tiên các thủy thủ một tàu đánh cá bị cướp biển Somali tấn công đã tự giải phóng được mình".