- Lập Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế
- Thủ tướng và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
Nói thủy điện hoạt động cầm chừng là thiếu cơ sở!
Mở đầu, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Có ý kiến phản ánh công suất các nhà máy thủy điện Nhà nước rất lớn (ví dụ Nhà máy thủy điện Hòa Bình) nhưng hoạt động cầm chừng, trong khi ta lại đi mua điện của các nhà máy tư nhân, thậm chí nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao. Phản ánh đó có đúng không?”. Trước câu hỏi khó và có phần bất ngờ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, không lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các thủy điện lớn theo mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng các công trình này. “Với Thủy điện Hòa Bình, từ khi vận hành đến nay, sản lượng bình quân một năm luôn đạt 9-10 tỷ kw/h, hoàn toàn không có chuyện vận hành cầm chừng. Với Thủy điện Sơn La, 3 năm qua, năm nào cũng phát điện vượt sản lượng thiết kế, mỗi năm phát trên dưới 10 tỷ kw/h…” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn chứng.
Với câu hỏi của một số ĐB về quản lý giá điện, xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ, Bộ Công Thương đang tích cực điều hành theo hướng đưa giá xăng dầu và điện về giá thị trường. Với giá điện, Chính phủ đã ban hành lộ trình, trong đó phấn đấu đến 2015, giá điện sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Đừng để Việt Nam thành bãi rác công nghệ
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đặt vấn đề: “Công nghiệp phụ trợ được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước, song nhìn vào thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta chục năm nay thấy gần như… chưa có gì”. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) hỏi: “Tại sao công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn hiện nay chủ yếu trông vào các sản phẩm nhập khẩu, trong khi công nghiệp chế tạo trong nước chủ yếu vẫn chỉ là… lắp ráp?”. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) gay gắt: “Trong công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt bao nhiêu %? Phải chăng Việt Nam chỉ là bãi rác để nước ngoài thuê địa điểm sản xuất, tận dụng lao động giá rẻ và ưu đãi đầu tư?”.
Trả lời nhóm câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận: “Thời gian qua, công nghiệp phụ trợ còn nhiều vấn đề. Hiệu lực của các chính sách còn thấp, chưa đầy đủ, hạn chế”. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, việc ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng có nhiều lý do khách quan. Trong đó, khó nhất là việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi quy mô sản xuất lớn, vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, lãi suất không cao.
Hơn nữa, nhìn tổng thể ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nhưng không phải lĩnh vực nào cũng yếu. Trong công nghiệp sản xuất ô tô - lĩnh vực rất nhiều ĐB lo lắng, bi quan, song thực tế chỉ có công nghiệp sản xuất ô tô du lịch còn yếu, trong khi các sản phẩm khác đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Riêng với công nghiệp chế tạo xe máy, hiện không chỉ đáp ứng phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn làm chủ thị trường
Về vấn đề quản lý thị trường, các ĐB quan tâm nhiều đến trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lý, kiểm soát hàng lậu, hàng nhái, hàng giả nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng. Trả lời các ĐB về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, đây là yếu kém đã tồn tại nhiều năm nay. Dù Nhà nước, các bộ ngành và chính quyền địa phương đã rất cố gắng kiểm soát nhưng hiện quả còn hạn chế. “Với việc ra đời Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tôi dám chắc rằng công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ được cải thiện hơn trong những năm tiếp theo” – Bộ trưởng cam kết.
Thêm một vấn đề được các ĐBQH đặc biệt quan tâm là sự thâm nhập ngày càng sâu của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam, khi họ liên tục sáp nhập, thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Thực tế chứng minh doanh nghiệp trong nước vẫn đang làm chủ được thị trường nội địa và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ”. Đến nay, cả nước có trên 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì số cơ sở do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ chỉ có hơn 70 cơ sở. Tỷ trọng tiêu thụ hàng hóa năm 2014 của hệ thống bán lẻ ước tính gần 3 triệu tỷ đồng, trong đó số bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng 3,4%.