Phòng ngừa “giặc lửa” ngay từ mỗi địa bàn dân cư – Chỉ “nói” không, chưa đủ… (2): Canh cánh cảnh ‘Vừa chạy vừa xếp hàng’

ANTD.VN - Theo Phụ lục IV- Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC , có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2021 , thì có đến 17 hạng mục công trình do UBND cấp xã quản lý. Với Hà Nội, tại 579 đơn vị hành chính cấp xã, thống kê sơ bộ, nơi ít thì vài chục, địa phương nhiều đến cả nghìn cơ sở nằm trong danh mục Phụ lục IV. Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ, cũng như thực trạng các cơ sở trong diện kiểm soát đảm bảo an toàn PCCC, thì rõ ràng, những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với đơn vị cấp xã. Nhưng có một thực tế là ở cấp cơ sở hành chính cuối cùng này, đang rất thiếu, rất ít cán bộ chuyên trách, có kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH. Hơn 2 năm qua, không riêng ở Hà Nội mà các địa phương trên toàn quốc đều đang có thực trạng chung là “vừa chạy vừa xếp hàng”, và canh cánh nỗi lo…

Nếu xử phạt, ít nhất nửa làng “lĩnh” biên bản!

Đó là chia sẻ rất thật của ông Nguyễn Hưng Kha – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Xã Tiền Phong nổi tiếng với nghề truyền thống chăn, ga, gối, đệm, mà như cách nói của 1 cán bộ huyện thì “cứ mấy năm, Tiền Phong lại góp nối dài danh sách sự cố hỏa hoạn trên địa bàn. Nhưng may mắn không thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”. Tiền Phong nay khác xưa, không còn cảnh các hộ sản xuất phải dùng công nghệ “bật bông”, vừa ô nhiễm môi trường vừa tiềm ẩn phức tạp cháy. Giờ, đúng như nhìn nhận của vị Phó Chủ tịch xã, nguyên liệu và thành phẩm sản xuất, kinh doanh vẫn tiềm ẩn cháy, nhưng đã đỡ hơn trước rất nhiều, do áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại hơn.

Công an xã Tiền Phong kiểm tra tại cơ sở sản xuất trên địa bàn

Từ tháng 1-2021, xã Tiền Phong có thêm nhiệm vụ mới, là phòng ngừa hỏa hoạn tại 280 cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm. Theo quy định của Nghị định 136, thì đảm trách chính nhiệm vụ này là cấp ủy, chính quyền cơ sở; lực lượng Công an xã giữ vai trò nòng cốt, tham mưu. Ngoài 280 cơ sở theo Phụ lục IV của Nghị định 136, địa bàn xã Tiền Phong có nhiều nhà xưởng, công ty, kho hàng cũng liên quan đến sản phẩm nghề truyền thống, nhưng “may mắn” là do cấp huyện quản lý, bởi tính chất, quy mô lớn hơn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hưng Kha cho biết, triển khai thực hiện Nghị định 136, đặc biệt, sau những sự cố cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian vừa qua ở nhiều địa phương, ý thức, nhận thức của người dân, hộ sản xuất kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt. Ở Tiền Phong, 100% các hộ sản xuất, kinh doanh, các cơ sở nằm trong danh mục Phụ lục IV, đã ký cam kết thực hiện các tiêu chí bảo đảm an toàn PCCC. Nhiều hộ, cơ sở đã trang bị bình bọt, phương tiện chữa cháy tại chỗ. Và, cũng nhiều hộ, cơ sở đã chủ động mở lối thoát nạn thứ hai, trừ những hộ…không có điều kiện không gian để mở. “Đây là điều mà nhiều năm trước, lãnh đạo xã không nghĩ sẽ đạt được. Bởi cách nghĩ, bởi tập quán của không ít chủ cơ sở vốn từng khá thờ ơ đối với việc trang bị phương tiện, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, mà chủ yếu dựa vào…kinh nghiệm”.

Chuẩn bị cho buổi diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn

Trung tá Tạ Huy Giang – Trưởng Công an xã Tiền Phong tâm sự: “Lo lắm chứ, bởi thực tế đã thành nếp là ở địa phương rất nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Mà đặc thù những cơ sở này đều sản xuất bên ngoài cửa, ngay lối ra vào, còn mọi sinh hoạt, ăn ở diễn ra bên trong. Khi tiến hành rà soát, tuyên truyền, có người dân chủ quan nói là họ đã có kinh nghiệm rằng nếu xảy ra sự cố, thì việc đầu tiên là tìm cách thoát ra ngoài, tìm cách cứu người, còn tài sản không quan trọng!”.

Trong 2 năm qua, kiên trì, bền bì, Công an và các lực lượng chức năng, đoàn thể xã Tiền Phong đã từng bước thay đổi được dần cách nghĩ chủ quan của nhiều hộ sản xuất, nhiều gia đình. Cùng với ký cam kết hay mở lối thoát nạn thứ hai, phần lớn các cơ sở đã được hướng dẫn và tuân thủ những nguyên tắc an toàn về sắp xếp hàng hóa, đường điện. Những buổi tập huấn quy định, kỹ năng PCCC&CNCH, số lượng người dân tham gia tự giác hơn và nhiều người trẻ hơn. Song, đúng như Phó Chủ tịch xã Nguyễn Hưng Kha đánh giá: “Chúng tôi vẫn đang thiếu yếu tố hết sức quan trọng là tính chuyên nghiệp – chuyên trách về PCCC&CNCH của cán bộ xã”.

Hướng dẫn thao tác chữa cháy cơ bản cho người dân

Gần 1 năm nay, do đặc thù tiềm ẩn phức tạp hỏa hoạn, Công an xã Tiền Phong được Công an huyện Thường Tín điều động, bố trí 1 chiến sỹ vừa tốt nghiệp chuyên ngành PCCC, là Trung úy Lê Đức Anh. Ở đơn vị 7 biên chế tính cả đồng chí Trưởng Công an xã, Trung úy Lê Đức Anh cũng như những đồng đội khác, vừa phải làm đủ các phần việc của Cảnh sát khu vực, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự, vừa được phân công là tổ trưởng tổ PCCC. Nhờ tính “chuyên biệt” của Trung úy Đức Anh, nhờ sự “sát sàn sạt” trong chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, và nhận thức rõ của Ban chỉ huy Công an xã về nguy cơ tiềm ẩn ở địa bàn, mà những tồn tại trong công tác phòng ngừa, những “lỗ hổng” về nhận thức, kiến thức của người dân, chủ cơ sở trong danh mục Phụ lục IV…đã được bộc lộ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, lãnh đạo xã Tiền Phong đánh giá, những tồn tại, hạn chế đã được nhìn thấy, chỉ ra, giờ vẫn đang trong giai đoạn “bền bỉ tuyên truyền, hướng dẫn và từng bước khắc phục. Người dân có chuyển biến trong nhận thức và hành động, nhưng để đối chiếu theo đúng các tiêu chí, yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC, thì nếu kiểm tra lập biên bản, chắc phải…nửa làng.

Không thiếu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm…

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã đi, đã gặp, quan sát, trò chuyện với nhiều cán bộ cơ sở; nội thành có, ngoại thành có, địa bàn cụm làng nghề - khu công nghiệp có, địa bàn nhiều chung cư cao tầng có…Cảm nhận đầu tiên, đó là trạng thái “bơi không hết việc” của lực lượng Công an cấp xã.

Lực lượng Công an cơ sở chủ động mở các buổi tuyên truyền PCCC về tận địa bàn dân cư

Có một thực tế hiện hữu là ở nhiều địa bàn, địa phương, việc thực hiện quản lý cơ sở theo Phụ lục IV của Nghị định 136, đều được “khoán” cho lực lượng Công an xã, phường. Một đồng chí Phó trưởng Công an xã thuộc huyện Gia Lâm ngao ngán: “Công an xã tham mưu, xây dựng UBND xã lập đoàn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở trong danh mục Phụ lục IV. Ngày giờ ấn định như thế. Thành viên đoàn kiểm tra như thế. Nhưng đến “giờ G”, chỉ mỗi Công an xã và cán bộ cơ sở có mặt. Phía Ủy ban xã không một ai tham gia, với lý do…bận chuyên môn khác”.

Nghị định 136 có hiệu lực trùng thời điểm mà khối lượng công việc đối với lực lượng Công an cơ sở, cấp xã đang giai đoạn…đỉnh điểm. Nào là dữ liệu dân cư, nào là Đề án 06/CP, rồi cấp đăng ký xe máy…Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Huy Toàn nhìn nhận: “Công an cấp xã mấy năm nay quá vất vả, quá nhiều việc, và lĩnh vực đảm bảo an toàn PCCC theo Phụ lục 4 đã và gia tăng mạnh áp lực ấy”.

Thêm mỗi người dân được trang bị kiến thức PCCC là niềm vui với Công an cơ sở

“Mệt và oải lắm chứ, nhưng việc đến tay, nhiệm vụ đến tay, trách nhiệm đến tay, không thể không làm. Anh em luôn động viên nhau, phải cố gắng, phải làm thế nào mà phần việc trong công việc của mình hạn chế tối đa sự cố do lỗi chủ quan”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh – Phó trưởng Công an xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm chia sẻ.

Theo danh mục Phụ lục IV, địa bàn Ninh Hiệp có tới 615 cơ sở. Biên chế Công an xã thuộc top đông của thành phố, trên dưới 20, nhưng, không cán bộ, chiến sỹ nào chuyên ngành PCCC.

Thực hiện theo Phụ lục IV, ngoài trang bị bình bọt, phương tiện chữa cháy, tiêu lệnh, ít nhất 1 thành viên của cơ sở phải được tập huấn…thì các cơ sở trong diện quản lý phải có bộ hồ sơ gồm lối thoát nạn, thiết kế đường điện, phương án xử lý khi xảy ra cháy…Trách nhiệm này thuộc về sự chỉ đạo, phân công của Chủ tịch UBND cấp xã, và lực lượng Công an đảm trách tham mưu, hướng dẫn.

Những lớp học "dã chiến", bất kể thời gian theo lịch trống của người dân

Nhưng như đã đề cập ở trên, nhiều nơi “tin tưởng” giao hết cho Công an xã, phường. “Việc đến tay là phải làm, và làm thật trách nhiệm, làm để đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng người dân”, đó là tâm thế của cán bộ, chiến sỹ Công an cơ sở mà chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện. Song trong lĩnh vực PCCC&CNCH, quyết tâm chỉ mới là “điều kiện cần”. Cán bộ cấp xã, ngay cả lực lượng Công an chính quy, để cập nhật, nắm bắt, hiểu và áp dụng được các quy định, nguyên tắc đảm bảo an toàn về PCCC, đòi hỏi cả quá trình, với điều kiện…không vướng bận những công tác khác.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), ông Nguyễn Văn Lăng so sánh: “Như công tác tuyên truyền ở khu dân cư; hội nghị do báo cáo viên là Công an xã và báo cáo viên từ đội CS PCCC&CNCH CAH về, khác nhau rõ rệt về chất lượng, hàm lượng thông tin. Nói gì thì nói, anh em Công an xã giờ đang ở giai đoạn “học việc” về lĩnh vực PCCC. Thế nên mỗi lần tổ chức hội nghị hay diễn tập, xã đều phải mời đội chuyên ở huyện về. Và như vậy, tính chủ động từ cơ sở ít nhiều bị ảnh hưởng”.

Đó chỉ mới đề cập đến nội dung tuyên truyền; còn vô vàn những phần việc phải, hết sức quan trọng, phải thực hiện khác theo Phụ lục IV, thuộc về trách nhiệm của cấp cơ sở.

Mà, “điều kiện đủ” ở đây chính là tính chuyên nghiệp, chuyên trách, hay đơn giản, phải có những con người am hiểu về công tác PCCC…

Phụ lục IV –Nghị định 136 xác định các cơ sở thuộc trách nhiệm đơn vị cấp xã quản lý về PCCC gồm:

1. Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã.

2. Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3.

3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có khối tích dưới 1.000 m3.

4. Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3.

5. Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3.

6. Chợ hạng 3; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3.

7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3.

8. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3.

9. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích dưới 1.500 m3; cơ sở tôn giáo có khối tích dưới 5.000 m3.

10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao dưới 3 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3; nhà lắp đặt thiết bị thông tin có khối tích dưới 1.000 m3; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích dưới 1.000 m3.

11. Cơ sở thể thao được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích dưới 1.500 m3.

12. Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh dưới 500 m2 và có khối tích dưới 5.000 m3

13. Gara để xe trong nhà có sức chứa dưới 10 xe ô tô; bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật có sức chứa dưới 20 xe ô tô.

14. Cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa dưới 150 kg.

15. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 2.500 m3; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 5.000 m3.

16. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích dưới 1.500 m3; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không chạy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích dưới 1.500 m3; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích dưới 1.000 m2.

17. Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2./.

(Còn nữa)