Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, chúng ta đã xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng nữa.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trả lời trước Quốc hội chiều 11-11

Đầu phiên làm việc chiều 11-11, Quốc hội tiếp tục phần chất vấn với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng tham gia báo cáo, giải trình làm rõ hơn những vấn đề có liên quan được ĐBQH nêu ra.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng hay giảm sẽ liên quan trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ngân sách của nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

Do đó, công tác phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất quan trọng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của nước ta trong thời gian qua là hiệu quả, hợp lý.

Trong đó, chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý nên kết quả đạt được trong thời gian qua tốt, vượt thu ngân sách tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn chứng, nhờ thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, chúng ta đã giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 800.000 tỷ đồng. Cùng đó, giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam không biến động nhiều. Đặc biệt, đã xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng nhằm ổn định hệ thống, phục vụ tốt cho nền kinh tế.

“Tính đến hôm nay, thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao và tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thu ngân sách tăng 255.216 tỷ đồng so với năm trước, tức là năm nay có thể vượt năm ngoái 300.000 tỷ đồng. Số này dùng để đầu tư hạ tầng cơ sở như đường cao tốc và các công trình khác” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.

Thời gian qua, có 4 ngân hàng được đưa vào diện bắt buộc mua lại, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đông Á (DongABank). Trong đó, CBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB).