Phó Thủ tướng "chất vấn": Tại sao lại đàm phán giá trước khi đấu thầu thuốc?

ANTD.VN -Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, hiện đã hết quý I-2018 mà Bộ Y tế vẫn chưa triển khai việc đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 là chậm. Mặt khác, việc tổ chức đàm phá giá trước khi đấu thầu một số thuốc tập trung, theo Phó Thủ tướng cũng là vấn đề chưa thể “yên tâm”…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc ở Bộ Y tế

Như ANTĐ đã đưa tin, chiều nay, 9-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với các Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan về sửa đổi Nghị định số 105/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, thông tư quy định giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018- 2020, đấu thầu đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế.

Tại buổi làm việc, báo cáo về vấn đề đấu thầu thuốc tập trung, Bộ Y tế cho biết, năm 2017, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 5 hoạt chất gồm 22 thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong năm 2018, Bộ Y tế đã quyết định đầu thầu tập trung đối với 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn; đồng thời sửa Thông tư 09 để mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cả ở cấp địa phương trong năm nay.

Cùng đó, Bộ Y tế cũng có kế hoạch đàm phán giá 8 loại thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều và sau khi có kết quả sẽ mở rộng thêm khoảng 25 biệt dược gốc khác. Bên cạnh đó, triển khai đàm phán giá đối với 139 thuốc biệt dược gốc hết bản quyền đã có nhiều thuốc generic thay thế. Hiện tại, Bộ Y tế đang cử cán bộ đi học hỏi mô hình đàm phán giá thuốc tại một số nước điển hình…

Trao đổi với Bộ Y tế về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ, hiện đã hết quý I-2018 mà việc đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 chưa được triển khai là chậm, đồng thời đề nghị Bộ Y tế cần khẩn trương mở rộng danh mục đấu thầu thuốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đấu thầu tập trung không chỉ là vấn đề kinh tế (giúp cho Ngân sách Nhà nước), mà còn là vấn đề nhân đạo vì sẽ giúp người dân, nhất là người nghèo không phải mua thuốc bị đội giá lên cao. Không chỉ đấu thầu thuốc tập trung, năm nay cần tiến hành cả đấu thầu trang thiết bị y tế nữa.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra hàng loạt câu hỏi mà theo ông là chưa thể yên tâm về việc đám phán giá thuốc của Bộ Y tế.

“Ai là người thực hiện, tổ chức đàm phán giá thuốc? Thanh tra kiểm tra việc này như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch? Tại sao lại đề xuất đàm phán giá thuốc trước khi đấu thầu. Thông thường là đấu thầu không được mới đàm phán chứ. Phải xác định lý do đặc thù để đàm phán giá thuốc” – Phó Thủ tướng hỏi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc 

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc đấu thầu thuốc phải hướng tới là giảm chi phí thuốc từ bảo hiểm y tế, tránh được sự chênh lệch giữa các bệnh viện và vùng miền. Theo các chuyên gia, việc đàm phán giá trước khi đưa vào đấu thầu có thể giảm từ 5 – 30% giá với các biệt dược sử dụng nhiều.

Còn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, thuốc biệt dược gốc gần như phân phối độc quyền, “một mình một sân” nên nếu đấu thầu rộng rãi cũng không mang lại kết quả. Do đó phải đặt ra vấn đề đàm phán. Ngoài ra, với các loại thuốc chỉ có 1 số đăng ký và thuốc hiếm thì cũng có thể sử dụng hình thức đàm phán này.

Một nội dung đáng quan tâm khác tại cuộc họp là sửa đổi, bổ sung thông tư 37 về xây dựng giá dịch vụ y tế. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo, Bộ Y tế cần phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 trước ngày 15-5.

Tiếp theo, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung theo hướng sắp xếp số dịch vụ y tế hiện nay thành khoảng 2.000-3.000 dịch vụ, ban hành định mức, xây dựng giá của 2.000-3.000 dịch vụ này.