Như hẹn lại lên, phố "ông đồ" xuất hiện như một điểm mốc nhắc nhở những con người đang làm việc tại Thủ đô về một cái Tết đã cận kề. Một vài năm trở lại đây, phố "ông đồ" làm sắc xuân Hà Nội có thêm điểm nhấn, thu hút nhiều du khách tới thăm và xin chữ. Năm nay, dù đã được khai mạc khá sớm, nhưng những ngày này, phố "ông đồ" vẫn khá bình lặng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa phố "ông đồ" mất đi ý nghĩa của nó.
Quanh năm xoay quần với nhiều gánh nặng lo toan, nhưng khi có mặt tại điểm hẹn phố "ông đồ" Văn Miếu, “bày mực tàu giấy đỏ”, họ mặc nhiên trở thành những ông đồ cho chữ với những mong ước tốt đẹp cho một năm mới.
Dù không có khách, các "ông đồ" vẫn say mê với công việc của mình
Đến với phố "ông đồ" năm nay, “thầy” Hiển không chỉ đến một mình, ông còn đưa đến những người học trò ưng ý nhất, có hiểu biết về ý nghĩa, luận từ của thư pháp. Bên canh những gương mặt trẻ, phố "ông đồ" là sự quy tụ của nhiều người “muôn năm cũ” đã có quá trình nghiên cứu và gắn bó với thư pháp nhiều năm. Họ đến để cùng trò chuyện, trao đổi. Phố "ông đồ" bỗng trở thành một điểm hẹn của những con người “cũ”, thân tình.
Họa sĩ Nguyễn Trần Thái trải lòng với phố "ông đồ" khi tỉnh, khi say, giả lải hồ đồ. Bên chén trà nóng, tâm tình nhân tình thế thái với những người bạn, tiếng thơ bật lòng với trải nghiệm đi qua của cuộc sống. Ông say với những bức kí họa của mình, giả bộ ngây ngô khi quan sát. Ông cũng chẳng thể giấu đi sự khoái trá khi chọn cho mỗi vị khách của mình một con chữ đề tặng dưới bức hình và để khi được giải thích, họ phải gật gù, giật mình vì sự "đọc vị" của ông đồ... "láu cá" hài hước này.
Họa sĩ Trần Thái bên những người bạn tại phố "ông đồ"
Chạy dài một con phố Văn Miếu, mỗi gian của từng ông đồ đều có sự bày trí bắt mắt, mang nhiều màu sắc tươi tắn. Không chỉ đem đến phố "ông đồ" năm nay những con chữ, nhiều ông đồ còn đưa ra những bức hình phóng khoáng, trau chuốt, tỉ mẩn.
Thiếu đi sự nhộn nhịp, sung túc của những năm trước, những vị khách năm nay có nhiều cơ hội để trò chuyện và tìm hiểu về Thư pháp hơn. Mỗi “thư khách” có thể trải lòng, trò chuyện với những ông đồ lâu hơn để lựa chọn cho mình một câu, chữ phù hợp.
Lựa chọn cho mình một “ông đồ” cho chữ trong cả một dãy phố cũng khiến nhiều vị khách phải lăn tăn. Thôi thì gặp gỡ, xin chữ và cho chữ âu cũng là cái “duyên” của mỗi người. Cô Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) đến xin chữ cho gia đình chia sẻ: “Có rất nhiều người cho chữ ở đây nên lúc đầu cũng khá khó để lựa chọn. Có rất nhiều bạn trẻ cho chữ còn có điểm hình vẽ khá hấp dẫn, nhưng vì để xin cho gia đình và mọi người trong nhà, tôi quyết định chọn một thầy đồ cho chữ, trình bày đơn giản, thanh lịch”.
"Duyên" gặp của người cho chữ và người xin chữ
Có lẽ, năm nay chẳng thể kỳ vọng vào một phố "ông đồ" tấp nập như trước, nhưng bù lại mỗi người đến đây như để níu kéo, giữ gìn và cảm nhận chiều sâu của một nép đẹp văn hóa của dân tộc mỗi độ xuân về.Một số hình ảnh tại phố "ông đồ" 2013:
Các ông đồ trao đổi, đàm đạo với nhau
Trò chuyện tâm tình để lựa chọn những câu chữ hay và phù hợp với mỗi người
Du khách nước ngoài thích thú khi nghe lý giải về ý nghĩa của hoạt động phố "ông đồ"
Tỉ mẩn, công phu và sáng tạo cho các tác phẩm thư pháp
Sử dụng các chi tiết họa cho tác phẩm của mình
Trao đổi và cảm nhận về câu chữ vừa nhận được