Phố đã vào hè

(ANTĐ) - Bắt đầu là những đốm hoa bằng lăng màu tím, hoa bói mươi bông và chỉ mấy ngày sau, òa ra, biến cái tán màu xanh lục thành cái tán tím, như một chiếc dù tím khá đẹp. Cả một đại lộ được viền bằng hai hàng dài vô tận của dải hoa tím, còn mang đủ tính hoang dại ở một vùng xa xôi nào đó thuở xưa.

Phố đã vào hè

(ANTĐ) - Bắt đầu là những đốm hoa bằng lăng màu tím, hoa bói mươi bông và chỉ mấy ngày sau, òa ra, biến cái tán màu xanh lục thành cái tán tím, như một chiếc dù tím khá đẹp. Cả một đại lộ được viền bằng hai hàng dài vô tận của dải hoa tím, còn mang đủ tính hoang dại ở một vùng xa xôi nào đó thuở xưa.

Tiếp đó, là những chùm hoa phượng, bói trên những tán phượng xanh và thưa, lá hình răng lược, mà, mấy bữa cuối xuân trước, cứ mỗi trận gió mới, lại thả đầy những giọt lá bay bay khắp trời.

Và, một đêm hay sáng nào đó, bật dậy những giọng ve sầu đầu tiên rộ lên khá gắt nghịch ngợm, những giọng ve đầu hạ, rồi im bặt. Chỉ khi nào trên những phố cây sưa của Hà Nội cổ, những sân trường học và lên những tán hoa của mùa phượng đỏ, và trong giỏ xe của cô học trò tuổi teen, áo dài trắng, có thả một chùm hoa phượng, làm bâng khuâng khối khách qua đường.

Về đêm, phương đông phía biển xa loằng nhoằng những ánh chớp. “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”. Những cơn mưa đầu hè ngắn đôi khi kèm theo tiếng sấm, khiến không khí ban mai trong lành hẳn lên.

Phố đã vào hè

Đường bụi hơn. Nắng gắt hơn. Những người phụ nữ đi đường, cưỡi xe máy đã kín những gương mặt đẹp Hà Nội, giờ lại thêm chiếc khẩu trang, hoặc chiếc mùi-soa hạng sang, bịt qua mặt, khiến lại càng thêm bí ẩn.

Và những cửa hàng, những quý bà, quý cô đi shopping, lại được dịp lăng-xê những mốt mùa hè. áo hở vai, hở ngực, mi-ni-juýp trang phục công sở mùa hè; đám con trai thì ưa quần lửng, áo phông, có in những chữ Anh, chữ Tàu...

Hà Nội bỗng như tươi trẻ hơn, nhịp đời nhanh, tấp nập, ồn ào hơn. Những hôm nắng gắt, người ta rủ nhau lên công viên nước Hồ Tây, và người ở các con hồ trong thành phố cũng đông hơn, không riêng gì những đôi trai gái. Ngày nghỉ cuối tuần là những chuyến píc-níc đầy thú vị. ẩm thực của Hà Nội cũng thay đổi theo mùa.

Phở có lẽ chỉ đông và buổi sáng và khuya. Còn bún riêu, bún ốc xem ra khách vào, có khi phải chờ đến dăm bảy phút. Buổi chiều, các cửa hàng ốc luộc, vây kín các quý cô, quý bà, còn các quý ông, quý ngài thì kéo nhau đến những quán bia tươi, những quán bia có tiếng ở từng quận, mỗi khu phố. Món lẩu cũng thiên về các thứ lẩu nấm, lẩu chua, lạc rang đã thay bằng lạc luộc. Tại chợ Hôm Đức Viên, hàng bún chả, bún đậu mắm tôm chỗ nào cũng đông khách.

Bữa cơm gia đình thì rau luộc, đậu rán, nước luộc dầm sấu, dầm me; canh cua rau rút, hoa thiên lý; canh hến, canh hầu, canh cá giấm là thứ hâm mộ. Hoa quả tráng miệng chủ lực là dưa hấu, thanh long. Cái món dưa ếch cũng không thể thiếu.

Những cửa hàng chè với chè đậu đen đá, thạch đen đá, chè thập cẩm Sài Gòn, sen dừa; tiếng thìa va lanh canh vào cốc, nghe thật quyến rũ và vui tai.

Phố đã vào hè.

Những buổi học cuối cùng của năm học, những trang lưu bút nhất là của những học sinh cấp cuối lại bồi hồi lưu luyến. Bỗng xao xuyến nhớ bài thơ “Nghỉ hè” của nhà thơ tiền chiến Xuân Tâm:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã

Lời khen trên môi chen chúc nối nghìn câu.

Chờ đêm nay; sáng sớm bước lên tầu

ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ

Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót

Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.

Tay bắt tay, hồn không chút bồi hồi,

Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

Ai mà chẳng có những kỷ niệm khó quên ở cái ngày lưu bút ấy. Tôi cũng có một người để nhớ. Đó là một thiếu nữ Hà Nội. Thuở ấy, tôi nghỉ hè phải về quê, còn H thì ở lại Hà Nội. H tiễn tôi... Dọc đường gặp một cơn mưa bất chợt. Hai đứa chỉ có một chiếc áo mưa mà H đang cầm ở tay. H đưa cho tôi ra ga kẻo ướt bị cảm, tôi đành cầm lấy. H đội mưa về, bữa ấy hẳn là ướt hết người.

Chiếc áo mưa ấy, sau này tôi còn giữ mãi, và mỗi lần giở tới, tôi lại hình dung ra cô gái Hà Nội, ướt lướt thướt, vuốt mặt, một mình đi dưới cơn mưa.

Ngô Văn Phú