Phim “Công tử Bạc Liêu”: Mượn giai thoại, kể chuyện đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Công tử Bạc Liêu” của đạo diễn Lý Minh Thắng lấy cảm hứng từ các giai thoại trong giới thượng lưu miền Nam đầu thế kỷ 20 thông qua nhân vật có thật là Trần Trinh Huy (1900-1974, quen gọi là cậu Ba Hơn hay Công tử Bạc Liêu). Phim quy tụ dàn diễn viên hùng hậu với 3 NSƯT gồm: Thành Lộc - Thanh Thủy - Hữu Châu, cùng các diễn viên Song Luân, Công Dương, Kaity Nguyễn, Đoàn Thiên Ân…

Là phim tâm lý hài hước, “Công tử Bạc Liêu” không nói về tiểu sử, giai thoại của công tử Bạc Liêu - cậu ấm con nhà đại điền chủ ở lục tỉnh vốn được truyền tụng như một kỳ nhân khét tiếng giàu có, chịu chơi và phóng túng. Bộ phim mang đến góc nhìn sáng tạo về một cuộc đời từng để lại nhiều tiếng vang lẫn “thị phi”, một góc nhìn về “cách xài tiền của người giàu” và những khát khao khẳng định mình bất chấp đúng - sai của bộ phận công tử sinh ra trong gia đình quyền quý thời trước.

Bộ ba diễn viên Lan Thy - Thiên Ân - Song Luân trong “Công tử Bạc Liêu”

Bộ ba diễn viên Lan Thy - Thiên Ân - Song Luân trong “Công tử Bạc Liêu”

Giai thoại công tử phong lưu

Trong phim, công tử Bạc Liêu /cậu Ba Hơn là con trai của Hội đồng Lịnh (dựa theo nguyên mẫu là ông Trần Trinh Trạch, 1 trong 4 đại điền chủ giàu nhất xứ Nam kỳ đầu thế kỷ 20, đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam bấy giờ). Sau khi đi du học ở Tây về, tiếp thu nhiều điều tân tiến như nếm rượu, khiêu vũ, đấm bốc và cả lái máy bay, Ba Hơn dần mâu thuẫn với người cha quyền lực bởi anh muốn tự do làm những gì mình muốn chứ không răm rắp tuân theo “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Bị ức chế và không được cha thừa nhận đúng mực, Ba Hơn phải làm đủ trò tiêu khiển như tổ chức đấu xảo sắc đẹp (giống như thi hoa hậu ngày nay), ăn chơi trác táng, gây hấn xung đột, vứt tiền vô tội vạ… Nhân vật dần sa vào những thói hư tật xấu hoặc trò ngông cuồng khó coi như dùng tiền nhóm lửa để nấu chè (một trong những giai thoại được truyền miệng nhất về công tử Bạc Liêu)… Ba Hơn cũng quyết tâm tậu máy bay riêng chở ông Lịnh đi xem ruộng lúa “cò bay thẳng cánh” của gia tộc.

Ở chốn tình trường, Ba Hơn (còn có biệt danh là Hắc công tử) có “đối thủ” đáng gờm là Tư Phát (biệt danh Bạch công tử) cũng là một cậu ấm phong lưu vang danh lục tỉnh. Cả 2 tranh giành bóng hồng yêu kiều là cô đào hát Bảy Loan (dựa theo nguyên mẫu NSND Phùng Há ngoài đời), ngôi sao sáng của hí trường Nam Kin hoành tráng một thời. Bảy Loan sẽ chọn lựa giữa một Hắc công tử phong trần, táo bạo dám nghĩ dám làm hay Bạch công tử thư sinh, yêu nghệ thuật?

Các thành viên gia đình ông Hội đồng Lịnh do NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thanh Thủy, Song Luân và Kaity Nguyễn đóng vai

Các thành viên gia đình ông Hội đồng Lịnh do NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thanh Thủy, Song Luân và Kaity Nguyễn đóng vai

“Chơi ngông” để làm gì?

Hắc Công tử và Bạch Công tử là 2 hình ảnh đối lập trong phim, phản ánh sự khác biệt trong tính cách, suy nghĩ nội tâm và cách sống của từng nhân vật trẻ trong bối cảnh Đông Dương những năm 1930-1940. Họ đều may mắn sinh trong gia đình quyền quý (nói theo dân gian là “đẻ bọc điều”), được ăn học bài bản hơn người, nhưng họ cũng có những tâm tư và góc khuất. Cuộc sống xa hoa của 2 công tử khét tiếng chưa chắc đã mang lại hạnh phúc thật sự cho họ. Ba Hơn đã đau đớn khi phản kháng với cha mình. Tư Phát thất thế trong cuộc đua chiếm trái tim nàng ca nữ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành Bảy Loan. Cho dù là phong lưu tài tử thì cũng lắm gian truân trong đoạn tình trường.

Song Luân và Công Dương là 2 lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn Hắc - Bạch công tử trong “Công tử Bạc Liêu”, không chỉ nhờ ngoại hình mà còn bởi khả năng khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật. Dù nổi tiếng với lối sống phóng túng, xa hoa, họ đều có những câu chuyện riêng tư chưa kể và luôn khao khát khẳng định vị thế trong xã hội đầy biến động lúc bấy giờ.

Đạo diễn Lý Minh Thắng

Dù người xem hiểu rằng những trò ngông cuồng phung phí tiền của của Ba Hơn có nguồn cơn từ sự khao khát khẳng định bản thân và tìm cách thoát khỏi cái bóng quá lớn của thân phụ, song vẫn rất khó chấp nhận hình ảnh công tử vung tay ném tiền như giấy lộn để tỏ ra… phóng khoáng. Sự hoang phí vô độ đó rất khó coi, cho dù là tiền riêng của cá nhân đi chăng nữa (trong phim Ba Hơn toàn xài tiền của gia đình).

Xét về diễn xuất, Ba Hơn là vai diễn thể hiện sự tiến bộ mạnh mẽ trong sự nghiệp đóng phim của Song Luân - chàng ca sĩ kiêm diễn viên ngày càng có những bước tiến vững chắc trên bước đường nghệ thuật, đặc biệt là sau khi tham gia chương trình “Anh trai say hi” đình đám mới đây. Nữ diễn viên Kaity Nguyễn trong vai “cô Sáu” - cô em gái cưng của Ba Hơn (nhân vật hư cấu) và cũng là người dẫn chuyện, mang lại nét tươi trẻ ngây thơ, hiếu động và yêu kiều, tạo năng lượng vui vẻ cho bộ phim.

Cảnh Hắc – Bạch công tử đối đầu trong “Công tử Bạc Liêu”
Cảnh Hắc – Bạch công tử đối đầu trong “Công tử Bạc Liêu”

Là phim về giới thượng lưu một thuở nên “Công tử Bạc Liêu” đầu tư không gian ghi hình sang trọng, hào nhoáng cùng với trang phục xưa lộng lẫy, xa hoa, bắt mắt.

Đoàn phim cho biết đã may mới hơn 300 bộ trang phục (bao gồm 100 bộ vest, 150 bộ áo dài, 50 bộ quần áo bà ba) thể hiện nét truyền thống Á Đông tinh xảo song hành với thời trang Tây phương tân thời. Phục trang góp phần đưa nét đẹp văn hóa lên màn ảnh, tạo ra những thước phim rực rỡ. Dù vậy, sự đa sắc duy mỹ này khiến tổng thể bộ phim theo hướng “trưng bày trong tủ kính” hơn là chất thật, chất đời cần có.