Màn “tụ họp” của các người tình
Thảo đã nghe Cường nhiều lần nói về lời hẹn của tòa án xét xử ly hôn cuộc hôn nhân giữa anh và chị Thúy trước đó một tháng. Cô không thật sự vui bởi lời thề thốt chia tay vợ, anh sẽ đến với cô, có chăng niềm hạnh phúc của Thảo là thấy người mình yêu thật sự hạnh phúc. Từ ngày hai người quen nhau, khi đó Cường đã có một gia đình nhỏ, còn Thảo vẫn là một cô gái trẻ, độc thân, xinh xắn và có chiều sâu nội tâm, anh đã tâm sự rằng, cuộc hôn nhân của anh không hạnh phúc và anh muốn thoát khỏi nó để đến với tình yêu đích thực của mình. Cường muốn đến với Thảo. Cô tin vào tất cả những lời người tình nói, và suy nghĩ của một người hiện đại, cấp tiến trong cô bảo rằng: “Nếu hôn nhân không còn tình yêu, cách tốt nhất hãy chia ly thay bằng việc đọa đày, ràng buộc nhau bởi trách nhiệm và những lề thói vô hình”. Anh thề thốt rất nhiều và đủ khiến cô tin tất cả những lời ấy thốt ra từ trái tim một kẻ nồng nàn. Cô tin về một hứa hẹn ngọt ngào của hạnh phúc trong tương lai, sau khi anh chính thức chia tay vợ...
Ngày tòa xét xử, Cường không muốn Thảo tới dự. Anh bảo, đơn giản anh không muốn cô phải nghe những lời lẽ khó chịu, đàm tiếu của người đời về một kẻ thứ ba đi cướp chồng người khác. Họ không hiểu rõ nội tình nên tự cho mình cái quyền được phán xét và bình luận. Anh không muốn cô bị tổn thương bởi những lời lẽ vô thưởng, vô phạt ấy. Anh tới đó một mình. Thảo ngoan ngoãn ở nhà, thấp thỏm chờ đợi. Nhưng linh cảm mách bảo với cô hãy đến phiên tòa, yêu là dám đương đầu với sóng gió cùng với người mình trao gửi yêu thương. Khi cô đến nơi, phiên tòa đã bắt đầu khai mạc.
Cô ngồi ở hàng ghế gần cuối. Phần ghế bên bị đơn của anh khá đông người, có lẽ họ đều là bạn của anh - những người thực sự muốn chia sẻ khó khăn với anh trong thời điểm chông chênh này. Thi thoảng, Cường liếc mắt về phía sau, vô tình mắt anh chạm mắt Thảo. Như có tia lửa điện, Cường giật mình, có lẽ vì sự xuất hiện đột ngột của người tình. Nhưng, sau đó anh trở lại điềm tĩnh, vờ như không có gì xảy ra. Kỳ lạ, cách cư xử của anh thật khác ngày thường. Ánh mắt khi nãy lướt qua cô một cách thờ ơ, lạnh nhạt đến khó tin. Thậm chí, trong suốt phiên tòa, anh không hề quay lại thêm bất cứ lần nào nữa.
Hình như, cuộc hôn nhân ấy của vợ chồng Thúy thực sự đã mưng nhọt từ rất lâu. Cuộc đối thoại, chất vấn của hai người rời rạc, tẻ ngắt, gần như đi tới sự đồng thuận một cách dễ dãi và hời hợt. Họ chẳng có gì nhiều nhặn để nói với nhau. Thúy nhận nuôi con, Cường đồng ý chu cấp cho con hàng tháng theo sự sắp xếp của tòa án. Thảo ngồi ở hàng ghế phía sau căng tai nghe chủ tọa hỏi Cường và Thúy về nguyên nhân chia tay. Trong khi Cường vội vã viện đủ lý do, đẩy hết phần vô trách nhiệm, thiếu dịu dàng, không đảm đang sang cho vợ. Thì Thúy, không giống những người đàn bà gặp cơn chấn động tiền ly hôn, dễ sửng cồ, cáu bẳn, tức tối trước những lời “đổ vấy” của chồng, chị bình thản đưa ra lý do duy nhất và quen thuộc nhất: “Chúng tôi không hợp nhau”.
Phiên tòa trôi tuột vào những phút giây cuối cùng. Chia ly như một điều tất yếu khi cả hai bên cùng đồng thuận. Trước khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, Thúy xin phép có đôi lời muốn nói với người đàn ông chị từng yêu thương và ước ao được gửi gắm cả cuộc đời: “Tôi không định nói ra, bởi cuộc đời của anh và của tôi khác nhau. Chúng ta chia tay, ngoài đứa con sẽ chẳng còn gì ràng buộc hay níu kéo. Có điều, nhìn những số phận, những tương lai hiện ra trước mắt chẳng khác gì tôi của vài năm trước, khi mới quen anh và trao gửi cho anh tất cả niềm tin. Có thể hôm nay anh cố gắng giấu giếm vẻ sợ hãi, lúng túng và diễn một vai thật hoàn hảo trước mặt các cô tình nhân, nhưng làm vợ anh hơn chục năm, lẽ nào tôi không hiểu thấu con người anh sao? Những cô gái ấy (vừa nói, Thúy vừa đưa tay chỉ về 2 cô gái ngồi sát sau lưng Cường và hướng về phía Thảo. Họ đều không quen nhau) đều là nhân tình của anh. Không biết anh đã thề thốt với họ những gì, nhưng tôi dám chắc họ đều nghĩ mình sẽ là người thế chân tôi bước tiếp với anh phần đời còn lại. Họ đáng thương hơn đáng trách, nhưng đều mù quáng và ngu ngốc như nhau”.
Hai cô gái theo tay chỉ của Thúy quay sang nhìn nhau ngỡ ngàng. Họ giống Thảo, mặt đỏ bừng giận dữ và bỏ ra ngoài trong tiếng xì xầm bàn tán xôn xao của những người dự khán còn lại. Chẳng ai có thể lường trước được tình huống trớ trêu này, ngay cả Cường cũng vậy. Điều ấy lý giải cho Thảo hiểu vì sao anh ta nhất mực muốn Thảo ở nhà chờ đợi kết quả phiên tòa thay bằng việc cùng anh đi tới. Tất cả chỉ là màn kịch trơ trẽn về sự quan tâm và danh tiếng dành cho cô, song thực chất anh sợ sự thật bị phanh phui giữa tòa.
Chủ tọa đồng ý cho hai người ly hôn. Cường quay về phía sau, tìm kiếm một người ở lại, nhưng chẳng ai có thể chịu đựng và tin tưởng một kẻ trăng hoa, mang tình yêu ra làm trò đùa như người đàn ông này. Cuối cùng, Cường là kẻ trắng tay: ly hôn vợ và các cô tình nhân đều rời bỏ anh ta. Cũng là cái kết “tròn vai” cho một người đàn ông không biết trân trọng tình cảm.
Khi “cố nhân xuất hiện”
Vô tình đọc được vài tin nhắn trong điện thoại của vợ, Trung đùng đùng nổi giận. Chỉ là vài tin nhắn của cậu lớp trưởng hồi trung học mời Nhàn tham gia họp lớp, ôn lại kỉ niệm xưa, Trung nổi máu ghen tuông. Anh là mối tình thứ hai và cũng là người đàn ông Nhàn lựa chọn làm chồng. “Thiên tình sử” của Nhàn trước đó, anh đều được Nhàn tâm sự tất cả. Tuấn Anh - cậu lớp trưởng năm xưa giờ cũng đã yên bề gia thất, nghe đâu làm ăn phát đạt lắm. Trung bán tín bán nghi vợ và “người xưa” tìm lại những xúc cảm thời son trẻ. Chẳng gì “tình cũ không rủ cũng đến”. Nhiều lần, Nhàn giải thích với chồng, bây giờ họ chỉ coi nhau là những người bạn. Lâu năm không gặp nhau nên hẹn hò cà phê trò chuyện và rủ đi họp lớp vào dịp cuối năm thôi. Song Trung không tin.
Mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm khi Trung đọc được vài tin nhắn lời lẽ sướt mướt yêu đương. Lần này, anh quả quyết vợ đang quay lại dan díu với người xưa. Mặc Nhàn giải thích trước sau đủ đường, anh vẫn không tin. Trung viết đơn ly hôn, đòi bỏ vợ.
Vị chủ tọa - người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành nhận thấy cặp vợ chồng này còn rất nhiều tình cảm, ông đứng ra hòa giải, khuyên can Trung không nên vì một phút cả giận mà đánh rơi hạnh phúc. Ngồi ở hàng ghế bị đơn, Nhàn liên tục lấy tay lau nước mắt. Trung không nghe theo, anh không chịu được nỗi nhục nhã của một người đàn ông bị cắm sừng. Hôn nhân của cặp đôi từng được bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ vì hạnh phúc đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ.
Đúng lúc phiên tòa đi vào những phút cuối cùng, Tuấn Anh - người được cho là kẻ thứ ba phá hoại hôn nhân của vợ chồng Nhàn xuất hiện trong sự ngỡ ngàng và bất ngờ của chính vợ chồng chị. Mặt Trung xây xẩm, nổi cơn ghen tuông giữa tòa. Anh cho rằng, Tuấn Anh đến để giễu nhại và có ý định xấu xa hòng cướp đoạt vợ anh. Anh lao về phía “tình địch” định dùng chân tay để giải quyết bức xúc trong lòng, rất may nhân viên bảo vệ ở tòa đã kịp thời ngăn cản lại.
Một người phụ nữ khác dắt theo một cô con nhỏ chậm dãi đi vào phiên tòa. Chị ấy là vợ Tuấn Anh. “Người xưa” lắc đầu buồn bã: “Tôi không ngờ sự xuất hiện của tôi lại gây sóng gió trong gia đình nhà bạn. Tôi giải thích có lẽ anh Trung sẽ không tin, nên hãy để vợ tôi lên tiếng về sự thật ẩn sau những tin nhắn có vẻ rất tình cảm, rườm rà kia”. Người phụ nữ đưa đứa nhỏ cho Tuấn Anh, chị xin phép tòa được giải thích đôi điều. Những tin nhắn được coi là bằng chứng ngoại tình giữa chồng chị - Tuấn Anh và Nhàn, thực chất là những dòng tâm sự, sẻ chia của hai người bạn thân.
Lúc ấy, chị và Tuấn Anh giận hờn nhau, và không biết làm lành với vợ, Tuấn Anh đã cầu viện sự tư vấn của cô bạn thân. Đó là nguồn gốc của những tin nhắn sực mùi yêu đương, hò hẹn, thề thốt Trung đọc được. Vợ chồng Tuấn Anh định rằng, tới hôm họp lớp mới gặp mặt vì công việc quá bận rộn, lại đường xá xa xôi. Họ mãi tận Bắc Kạn lặn lội xuống thủ đô cũng vì nghe bạn bè báo tin vợ chồng Nhàn kéo nhau ra tòa vì sự hiểu lầm không đáng có. Không muốn cô bạn để tuột mất hạnh phúc, trong đó mình là kẻ tội đồ, Tuấn Anh và vợ đã đi xe khách cả đêm cho kịp phiên tòa sáng. Sự thực chỉ có vậy.
Trung sững người trước lời giải thích của vợ “tình địch”. Hóa ra bấy lâu anh đã hiểu lầm và nghi oan cho vợ. Hai vợ chồng Trung rút lại đơn ly hôn, không quên mời “ân nhân”, người có công giữ gìn hạnh phúc của họ về thăm tổ ấm nhỏ của hai vợ chồng. Ghen tuông mù quáng của đàn ông đôi khi xuất phát từ sự tự ti của bản thân mình. Trung ghen với “cố nhân” của vợ cũng bởi những suy nghĩ hẹp hòi, thiếu bản lĩnh về sự vững chãi, sức mạnh nội tại của bản thân. Thật may, sau cơn mưa trời lại sáng!