Phía sau bức ảnh thờ và linh cảm của nữ chiến sĩ tàng thư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi một người qua đời, gia đình họ thường sẽ để trên ban thờ một bức ảnh để tưởng nhớ. Nhưng cũng có những người cả đời chẳng chịu chụp một tấm hình nào. Và nếu không có các cán bộ, chiến sỹ Đội Tàng thư căn cước công dân, rất có thể nhiều gia đình không có ảnh thờ để tưởng nhớ người thân đã quá cố.

Cuộc tìm kiếm đằng đẵng

Cuối tháng 3-2023, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CATP Hà Nội) nhận được thư cảm ơn của anh Nguyễn Văn Toản (trú tại thôn Giáp Tư, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) về việc gia đình mình đã có ảnh thờ ông nội mất từ năm 1983. Trò chuyện cùng anh Toản được biết, khi anh mới được vài tháng tuổi thì ông nội anh là cụ Nguyễn Văn Lâm qua đời. Do điều kiện ngày đó còn khó khăn, cụ Lâm không có bức ảnh cá nhân nào nên gia đình không có ảnh thờ khiến con cháu sau này cũng không biết mặt cụ. Để thỏa tâm nguyện, anh Toản đã tìm mọi cách có được bức ảnh của người đã khuất bằng cách gặp lại những người thân quen với hy vọng mong manh tìm thấy một bức ảnh của ông nội. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, những tia hy vọng cứ lóe lên rồi lại vụt tắt.

Cán bộ Đội Tàng thư Căn cước công dân tìm kiếm hồ sơ trong tàng thư

Cán bộ Đội Tàng thư Căn cước công dân tìm kiếm hồ sơ trong tàng thư

Bỗng một ngày anh nhận được thông tin, cụ Lâm đã từng làm Chứng minh nhân dân, nhưng do thời gian nên Chứng minh nhân dân đó đã thất lạc. Nếu đúng như vậy thì sẽ có ảnh lưu tại tàng thư căn cước công dân. Với niềm tin ấy, ngày 9-3-2023, anh Toản đã tìm đã đến Đội Tàng thư căn cước công dân, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH ở số 9 Văn Phú, Hà Đông để gửi đơn đề nghị cung cấp bản lưu ảnh Chứng minh nhân dân gốc của ông nội làm di ảnh thờ phụng cũng như giúp con cháu sau này được biết mặt cụ. Bản thân gia đình anh Toản cũng không nhớ chính xác cụ Lâm sinh năm bao nhiêu nên đành ghi trong đơn là tìm di ảnh của ông Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1928, mất năm 1983.

Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh cho biết, trường hợp của cụ Nguyễn Văn Lâm là người thứ 6 các chị tìm được di ảnh trong những năm gần đây. “Đó là một công việc hết sức thiêng liêng, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và đôi khi cần có cả linh cảm. Có những trường hợp sai cả tên, ngày sinh, con cháu không biết mặt, nhưng bằng sự linh cảm, chúng tôi vẫn tìm ra” - Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh kể. Đó là còn chưa nói đến việc không dễ dàng tìm kiếm hồ sơ sau nhiều lần dịch chuyển, sắp xếp. Dù không phải là lực lượng chiến đấu tuyến đầu, nhưng Đội Tàng thư căn cước công dân vẫn âm thầm, lặng lẽ ở tuyến sau, sẵn sàng phục vụ các đơn vị chiến đấu, phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức, góp phần làm đẹp hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô hết mình vì nhân dân phục vụ.

Anh Toản nhớ lại: “Lúc tôi đến Đội Tàng thư căn cước công dân đã là 12h trưa, gặp Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh và Thiếu tá Bùi Phương Nhung. Dù đang ăn cơm, nhưng khi thấy tôi đến, các chị ấy vội buông đũa để tiếp đón, hướng dẫn rất tận tình. Chưa biết việc của mình có thành công hay không, nhưng trước thái độ nhiệt tình ấy, tôi cảm thấy vô cùng trân trọng những chiến sỹ công an vì họ đã hết lòng vì dân phục vụ” - anh Toản chia sẻ.

Những khó khăn không nói thành lời

Câu chuyện cũng đã qua đến gần nửa năm, nhưng gặp Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh, chị vẫn nhớ như in anh Toản đi tìm di ảnh ông nội Nguyễn Văn Lâm. “Ảnh thờ là thứ thiêng liêng trong văn hóa tâm linh người Việt. Nhưng những năm tháng đất nước khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện chụp một tấm ảnh để lo hậu sự. Vì thế, nhiều năm qua, Đội Tàng thư căn cước công dân đã tiếp nhận nhiều đơn đề nghị xin di ảnh” - Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Toản thắp hương trước di ảnh người thân mới tìm lại được qua sự giúp đỡ của Đội tàng thư Căn cước công dân, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (CATP Hà Nội)

Gia đình anh Nguyễn Văn Toản thắp hương trước di ảnh người thân mới tìm lại được qua sự giúp đỡ của Đội tàng thư Căn cước công dân, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (CATP Hà Nội)

Khó có thể nói hết những gian nan của các chị khi đi tìm di ảnh theo thông tin người nhà cung cấp. Hồ sơ tàng thư căn cước công dân được thiết lập từ năm 1979, đến nay đã hơn 40 năm, thời gian khiến chúng cũng ngả màu hoen ố. Để tra cứu được hồ sơ tàng thư của một cá nhân ngoài tên, ngày tháng năm sinh thì vẫn cần thông tin cha, mẹ. Trong khi đó, người làm đơn đề nghị tìm di ảnh thường là cháu, chắt, tên tuổi người cần tìm và năm sinh chưa chắc đã chính xác thì tên tuổi của cha mẹ người cần tìm lại càng mù mờ. “Trong thời kỳ đầu làm hồ sơ tàng thư căn cước công dân, tất cả mọi thứ đều được viết tay. Người chữ xấu, người chữ đẹp, người viết láu, người viết chân phương, nên hồ sơ sai tên là chuyện không tránh khỏi. Nhất là chữ “u” và chữ “n” thường xuyên lẫn lộn, rất khó để xác định. Ví dụ một người có tên là Điền rất có thể do viết láu mà biến thành Điều, gây khó khăn cho công tác truy tìm” - Thiếu tá Bùi Phương Nhung cho biết.

Trở lại với câu chuyện của gia đình anh Toản, do không biết năm sinh chính xác của cụ Nguyễn Văn Lâm nên trong đơn đề nghị anh ghi sinh năm 1928. Khi tìm kiếm vẫn không thấy hồ sơ của cụ Lâm, các cán bộ, chiến sĩ Đội Tàng thư căn cước công dân đã quyết định mở rộng vùng tìm kiếm sang những người cũng tên là Nguyễn Văn Lâm nhưng sinh các năm 1926, 1927, 1929. Cuối cùng, thông tin về ông Nguyễn Văn Lâm trú tại thôn Giáp Tư, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũng đã xuất hiện. Chỉ khác là thay vì sinh năm 1928 như trí nhớ của gia đình thì trong tàng thư ghi rõ ông sinh năm 1927.

Anh Nguyễn Văn Toản bày tỏ: “Tôi cũng cảm nhận được sự vui mừng của Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh và Thiếu tá Bùi Phương Nhung khi tìm thấy ảnh lưu của ông nội tôi trong tàng thư. Các chị phục vụ nhân dân như đang làm việc cho chính gia đình mình vậy”.

Một góc hồ sơ tàng thư Căn cước công dân

Một góc hồ sơ tàng thư Căn cước công dân

Linh cảm nhạy bén của người chiến sỹ

Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh cho biết, trường hợp của cụ Nguyễn Văn Lâm là người thứ 6 các chị tìm được di ảnh trong những năm gần đây. “Đó là một công việc hết sức thiêng liêng, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và đôi khi cần có cả linh cảm. Có những trường hợp sai cả tên, ngày sinh, con cháu không biết mặt, nhưng bằng sự linh cảm, chúng tôi vẫn tìm ra” - Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh kể. Đó là còn chưa nói đến việc không dễ dàng tìm kiếm hồ sơ sau nhiều lần dịch chuyển, sắp xếp vào những chiếc tủ tuổi thọ cũng đã qua nhiều thế hệ cán bộ tàng thư căn cước.

“Sau 40 năm, con cháu trong nhà mới nhìn thấy hình ảnh người ông, người cụ của mình. Thay mặt gia đình, tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Đặc biệt chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh - Phó Đội trưởng Đội tàng thư căn cước công dân; đồng chí Thiếu tá Bùi Phương Nhung - cán bộ Đội tàng thư căn cước công dân, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để gia đình tôi hoàn thành tâm nguyện. Các đồng chí là những người hết lòng phục vụ nhân dân. Dù công việc vất vả nhưng đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Phương Minh và Thiếu tá Bùi Phương Nhung đã coi việc của gia đình công dân như công việc của gia đình mình và làm với tất cả trái tim” (trích thư cảm ơn của anh Nguyễn Văn Toản).

Thiếu tá Lê Khắc Hà - Đội trưởng Đội Tàng thư căn cược công dân cho hay, công việc của đội là quản lý, phân loại, sắp xếp hồ sơ Chứng minh dân dân/Căn cước công dân được lưu trữ trong tàng thư để phục vụ công tác tra cứu, khai thác theo yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Những ngày tìm di ảnh cho cụ Nguyễn Văn Lâm cũng là thời gian các anh, các chị đang phải chạy đua hoàn thành kế hoạch số hóa tàng thư Căn cước công dân. Dù không phải là lực lượng chiến đấu tuyến đầu, nhưng Đội Tàng thư căn cước công dân vẫn âm thầm, lặng lẽ ở tuyến sau, sẵn sàng phục vụ các đơn vị chiến đấu, phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức, góp phần làm đẹp hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô hết mình vì nhân dân phục vụ.