Phi công hàng đầu của Mỹ tuyên bố tiêm kích Su-35 'chỉ đẹp khi triển lãm'

ANTD.VN - Tiêm kích Su-35 do Nga sản xuất đã bị một phi công kỳ cựu của Không quân Mỹ đánh giá ở mức thấp.

Phi công đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ (USAF) - Trung tá Dan Hampton mới đây đã đưa ra ý kiến của mình về tiêm kích Su-35 Flanker của Nga. Theo nhận xét được đăng tải trên trang Twitter @PStyle0ne1 thì Su-35 chỉ có vẻ ngoài đẹp, nhưng thực tế vô dụng.

Trung tá Dan Hampton là phi công có nhiều kinh nghiệm, ông đã phục vụ trong các cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư, Kosovo và Iraq trong vai trò lái tiêm kích F-16 và đã thực hiện tới 115 phi vụ xuất kích chiến đấu.

Trung tá Hampton nói rõ: “Tôi và của hầu hết các phi công lái chiến đấu cơ chuyên nghiệp đều thống nhất tiêm kích Su-35 là một cỗ máy điển hình của Nga và bề ngoài nó trông rất đẹp".

"Họ sơn nó thật bắt mắt, gắn đủ loại ngôi sao lên đó và đi kèm nhiều thứ khác. Nhưng sâu xa hơn, phương tiện này không thực sự tốt trong vai trò một chiếc máy bay".

"Mặc dù tiêm kích Su-35 trông đẹp khi xuất hiện ở các buổi triển lãm hàng không, nhưng ý kiến ​​​​cá nhân của tôi là nó rất vô dụng”, phi công lái tiêm kích F-16 hàng đầu của Không quân Mỹ cho biết.

Tuy vậy ý kiến ​​của Trung tá Dan Hampton trái ngược với một phi công người Ukraine - Trung tá Dmitry Vilhelmovich. Năm 2022, trong một cuộc phỏng, ông nói rằng hiệu suất của tiêm kích F-16 so với Su-27 mà bản thân đang điều khiển kém hơn nhiều.

Viên phi công Ukraine đưa ra so sánh sau khi bay thử trên một chiếc F-16 của Mỹ: “Tôi đã lái F-16 vào ngày đầu tiên, tôi yêu thích chiếc tiêm kích này. Tuy nhiên xét về tính năng thì nó kém hơn nhiều so với Su-27”, Trung tá Dmitry Vilhelmovich nhấn mạnh.

Sự so sánh dựa trên một trong những đặc điểm mà máy bay Nga thường được biết đến - khả năng cơ động và cận chiến. Đồng thời khi đặt Su-27 cạnh Su-35 thì chiếc Flanker-E vượt trội "người tiền nhiệm" cả về không chiến trong lẫn ngoài tầm nhìn.

Đối với các nhà phân tích trung lập, tiêm kích F-16 rõ ràng không thể so sánh với Su-35 do chiến đấu cơ Nga được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều AL-41F1S, khiến nó có khả năng kiểm soát rất tốt.

Nhưng cần lưu ý, giới hạn chịu quá tải của Su-35 vẫn chỉ giới hạn ở 9G vì phi công chỉ chịu được mức này, tức là nó không vượt trội F-16 trong tình huống thực chiến, trong khi F-16 lại được trang bị tên lửa AIM-9X có tính năng "khóa mục tiêu sau khi phóng".

Đối với không chiến ngoài tầm nhìn, tiêm kích F-16 được nhận xét không hề thua kém Su-35 khi nó có diện tích phản xạ radar nhỏ hơn, các phiên bản mới nhất còn được tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-83 tiên tiến.

Công nghệ radar AESA của tiêm kích F-16 Block 70/72 Viper được nhận xét vượt trội hơn loại N035 Irbis quét thụ động (PESA) mà Su-35 vẫn phải sử dụng tới cả một thế hệ.

Điều này khiến chiếc Su-35 khó tạo được ưu thế khi đối đầu những chiếc F-16 đời cao trong không chiến ngoài tầm nhìn. Ngoài ra cần nhấn mạnh tiêm kích F-16 mà phi công Vilhelmovich chỉ thuộc đời thấp.

Nhưng dĩ nhiên các phép so sánh nói trên chỉ mang tính lý thuyết, trong thực chiến còn rất nhiều yếu tố nữa để quyết định thắng lợi, và kỹ năng của phi công là cực kỳ quan trọng.